Nhìnlại chặng đường 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, Ðảng và nhân dân ta đã có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế, đồng thời nhận thức được, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học – công nghệ (KHCN); triển khai được nền sản xuất công nghiệp tiên tiến hiệu quả cao phải dựa trên nền tảng tri thức; KHCN là động lực then chốt để phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh; phát triển KHCN trước hết phải phát triển con người KHCN… Nhận thức đúng đắn này đã được triển khai thành các nghị quyết của các kỳ Ðại hội và các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp tục phát huy thành quả của quá trình đổi mới, quyết tâm phát triển nhanh và bền vững đất nước trên nền tảng tri thức, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, có những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến KHCN. Với quy mô nền kinh tế, tiền đồ đất nước vững chắc hiện nay, Ðảng ta đã tư duy và định hướng để đưa đất nước bắt kịp, cùng tiến và vượt lên ở một số lĩnh vực chúng ta có thể và có thế mạnh, có tiềm năng.

Đang xem: Cuộc cách mạng khoa học công nghệ

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 thể hiện vai trò tham gia của nhà khoa học vào quá trình sản xuất nhằm chuyển hóa các sáng tạo, tri thức vào sản xuất tạo thành một làn sóng mới trong đổi mới. Bên cạnh đó có sự tham gia của nhiều thành phần khác, như kỹ sư, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp… CMCN4.0 là sự kết hợp tối ưu hệ thống những công nghệ tiên tiến triển khai vào sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tài chính, môi trường, xã hội, tài nguyên… dựa trên nền tảng kỹ thuật số và nền tảng về vật lý, công nghệ vật liệu tiên tiến và công nghệ sinh học, công nghệ truyền thông…

KHCN với vai trò vừa là công cụ, động lực, vừa là cơ sở, nền tảng để phát triển nền kinh tế tri thức, nhưng đồng thời cũng là đối tượng chịu tác động của CMCN 4.0. Nhận thức này hết sức quan trọng vì trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, chúng ta cần đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực cốt lõi của KHCN để xây dựng nền móng, thành phần chính cho phát triển kinh tế – xã hội trong môi trường CMCN 4.0. Trong đó, cần có nhận thức chi tiết hơn nữa về khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, công nghệ và kỹ nghệ, con người, hạ tầng…

Ðối với khoa học cơ bản, CMCN 4.0 giúp cho các hoạt động nghiên cứu thuận tiện hơn. Những ngành khoa học cơ bản thuần túy lý thuyết như Toán học, Vật lý lý thuyết, Hóa học lý thuyết, các lý thuyết mới và tính toán số, các mô phỏng có thể được kiểm chứng nhanh hơn nhờ các công cụ, phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới. Những yêu cầu của CMCN 4.0 đòi hỏi các ngành khoa học cơ bản, lý thuyết phát triển các phương pháp mới, mô hình mới, lý thuyết mới để tăng cường hiệu quả hoạt động, kiểm chứng lý thuyết, mô phỏng các mô hình mới, nhất là đối với ngành phân tích dữ liệu, phát triển trí tuệ nhân tạo, điều tra cơ bản. Ðối với các ngành khoa học cơ bản định hướng ứng dụng CMCN 4.0 là cơ hội để phát triển mạnh hơn, sâu rộng hơn. Một số ngành cơ bản định hướng ứng dụng như khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, y học, công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa,… sẽ được thúc đẩy mạnh hơn việc triển khai các nghiên cứu hướng đích, phù hợp từng nhu cầu ứng dụng, chuyên biệt hóa và thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm mới, cải tiến mới vào ứng dụng nhanh hơn.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo nên những thách thức, khó khăn đối với những lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tại Việt Nam trong thời gian sắp tới. Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, Việt Nam có khoảng cách khá xa so với thế giới. Nhìn chung, Việt Nam hầu như chưa làm chủ được các công nghệ lõi để phát triển công nghiệp, mà phần lớn phải nhập khẩu. Trong những năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực phát triển các nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, tuy đã tạo được nhiều công nghệ mới, sản phẩm mới, nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp mới. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính của việc tụt hậu này là do: (i) Nhân lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ còn mỏng, nhất là những lĩnh vực công nghệ mới của CMCN 4.0 như kỹ thuật số và công nghệ thông tin, tự động hóa (blockchain, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn), vật lý và khoa học vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học; (ii) Hạ tầng cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, thử nghiệm; (iii) Thiếu vắng các doanh nghiệp công nghệ, nơi có thể chuyển hóa các tri thức, tích hợp với các kỹ thuật hiện có, tích hợp với nhu cầu của thị trường để tạo nên các ứng dụng mới, sản phẩm mới (đặc biệt thiếu doanh nghiệp trong nước).

Xem thêm: Khoa Liên Kết Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, Viện Đào Tạo Quốc Tế Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

Dựthảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực KHCN, do đó cần được triển khai đồng bộ hiệu quả, với quyết tâm cao. Thực tế, chỉ tiêu phấn đấu của chúng ta đến năm 2020 có một cán bộ KHCN trên 1.000 người dân, nhưng đến nay chưa đạt được và kinh phí (% GDP) dành cho các hoạt động nghiên cứu chỉ ~0,6% GDP (số liệu năm 2018). Trong khi đó, số người làm KHCN trên 1.000 người lao động và GDP dành cho các hoạt động nghiên cứu năm 2017 của một số nước như sau: I-xra-en 17 đến 18 và 4,5%; Hàn Quốc 14,43 và 4,5%; Nhật Bản 10 và 3,2%; Trung Quốc 2,242 và 2,129%. Khi triển khai thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực cần có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để: (i) Giữ được lực lượng cán bộ đang làm việc tiếp tục cống hiến, đóng góp (cần có chế độ trả công xứng đáng, có các yếu tố động viên); (ii) Khơi dậy được niềm đam mê học KHCN cho học sinh phổ thông để các em tiếp tục học, làm KHCN trong tương lai. Giáo dục STEM ngay từ bậc trung học phổ thông là yếu tố tiên quyết. Không động viên được các học sinh giỏi ở bậc phổ thông ham thích và say mê học KHCN sẽ không có sinh viên giỏi ở bậc đại học và không có những nhà KHCN giỏi cho đất nước trong tương lai. Ðảng, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh viên theo đuổi ước mơ sáng tạo, có điều kiện và môi trường nghiên cứu, theo đuổi ước mơ, vì xã hội tôn vinh nghề KHCN; (iii) Ðẩy mạnh sự hội nhập và hợp tác quốc tế, thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác/tham gia hoạt động KHCN trong nước.

Nguồn nhân lực dù chưa đông và mạnh, nhưng nếu Nhà nước và các doanh nghiệp (cả sở hữu công và tư) không sử dụng hiệu quả cũng sẽ là sự lãng phí lớn. Vai trò của các doanh nghiệp sử dụng nhân lực KHCN là rất quan trọng trong việc chống lãng phí chất xám và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Ở các quốc gia phát triển, Chính phủ hầu như chỉ đầu tư cho KHCN với các quỹ dành cho nghiên cứu cơ bản; và có các quy định buộc các doanh nghiệp đầu tư và được hưởng lợi ích trực tiếp từ sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới (R&D&I). Việt Nam với nguồn tài chính còn hạn chế, Chính phủ và doanh nghiệp, xã hội cần nhận thức rõ điều này để chia sẻ trách nhiệm đầu tư cho KHCN và các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Thời gian gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước (FPT, VinGroup, Phenikaa,…) và cả những hãng lớn nước ngoài (Samsung) đã xây dựng những trung tâm nghiên cứu phát triển, các phòng thí nghiệm và các trường đại học để phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực KHCN. Ðây là những dấu hiệu tốt về chuyển biến môi trường nghiên cứu phát triển KHCN.

Nướcta đã có một số trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ KHCN cao, như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hai đại học quốc gia, các đại học vùng… Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với thế mạnh là lực lượng cán bộ trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực chủ chốt của CMCN4.0 (công nghệ số, vật lý, khoa học vật liệu và công nghệ sinh học) và đa ngành khác, có thể phối hợp giải quyết những vấn đề lớn, đòi hỏi tính liên ngành KHCN cao/phức tạp, là nơi có điều kiện triển khai những nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ nguồn. Do vậy, các đơn vị này cần được quan tâm đầu tư thích đáng hơn và có cơ chế đặc biệt để phát triển và phát huy được vai trò trung tâm trong các hoạt động KHCN và đào tạo của quốc gia. Các trung tâm KHCN này cần phát huy cao nhất, kinh nghiệm, nguồn nhân lực sẵn có đồng thời cần tiếp tục chú trọng hơn về hội nhập quốc tế và bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiên phong phát triển các công nghệ nguồn, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng các nhu cầu của CMCN 4.0, ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo và rô-bốt, phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ vật liệu tiên tiến (vật liệu na-nô, vật liệu y-sinh phục vụ chăm sóc sức khỏe, vật liệu chức năng, vật liệu có tính năng đặc biệt, vật liệu cho in 3D), công nghệ chế tạo lớp và in 3D, công nghệ thần kinh, sinh học tổng hợp, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ; đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng cho in-tơ-nét kết nối vạn vật, công nghệ 6G, công tác bảo mật, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ,…

Xem thêm: Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận Nói Về Khoa Học Và Phật Giáo, Khoa Học Và Phật Giáo

Vấn đề cần được hiểu sâu sắc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tính nền tảng lâu dài, đó là phát triển hệ thống KHCN là một hợp phần quan trọng trong hệ thống xã hội. Thay đổi từ nhận thức, công cụ pháp luật, thiết chế xã hội tới cơ sở hạ tầng trong một tâm thế mới, thời đại mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *