Vùng biển Việt Nam nằm trong biển Đông có chiều dài bờ biển 3260 km, bao gồm nhiều khu vực: vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ khác với 16 khu bảo tồn biển. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1/3 dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh/thành giáp biển đóng góp khoảng hơn 50% tổng GDP. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của biển trong chiến lược bảo vệ an ninh, chủ quyền và phát triển, cho đến nay, hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền, chiến lược biển của Việt Nam vẫn đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển bền vững kinh tế biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt ra mục tiêu “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển”. Để đạt được mục tiêu này, Đảng đã xác định ưu tiên lần lượt cho các lĩnh vực: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Để phát triển các lĩnh vực trên có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, khoa học công nghệ là thành tốt không thể thiếu và là then chốt.

Đang xem: Vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế

*

Đảo Lý Sơn chụp từ trên cao (Ảnh: Duy Sinh).

(1) Du lịch và dịch vụ biển Thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp hàng đầu thế giới, như vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang),… Sự phong phú, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc trưng vùng biển – đảo đã tạo ra những tiềm năng to lớn cho du lịch biển Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt từ các quốc gia có mùa đông lạnh tới nghỉ dưỡng, tắm biển. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng trong đời sống kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận: “… ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”. Đây được đánh giá là bước đột phá trong công tác đảm bảo môi trường du lịch, định hướng phát triển thị trường cũng như tiếp nhận thông tin trực tiếp của du khách. Việc áp dụng hệ thống mạng xã hội, tổng đài thông tin, tư vấn, giải đáp du lịch để giúp du khách thuận tiện hơn trong việc tiếp cận, trao đổi thông tin, hình ảnh các sản phẩm du lịch. Nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang tích cực triển khai phủ sóng wifi miễn phí như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế. Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch như Vietravel, Saigontourist, Thiên Minh Group, Hanoitourist, Benthanhtourist… Sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch. Đây là những điểm nhấn quan trọng của các doanh nghiệp du lịch Việt về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh. Bên cạnh đó, các khách sạn ngoài kênh bán phòng truyền thống, cũng đã tham gia sử dụng các OTA (Online Travel Agent) hay các đại lý du lịch trực tuyến như Agoda, Booking.com hay Airbnb… Qua các OTA, Central Luxury qua đó tiếp cận được lượng khách lớn hơn nhiều lần so với con số mà họ tự tiếp cận. Không dừng lại ở đó, các khách sạn cũng gắn địa chỉ của mình trên Google map công khai giá phòng, bình luận, đánh giá để tiện cho việc tìm kiếm và tương tác với khách hàng. (2) Kinh tế hàng hải Nước ta có lợi thế về giao thông đường biển, gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vận chuyển nhanh chóng, thuận lợi hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc, cũng như đi đến các nước trong khu vực và thế giới. Xác định tầm quan trọng có tính quyết định của KHCN trong lĩnh vực Hàng hải, những năm qua, nhiều hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ biển đã được thực hiện thông qua các nhiệm vụ, đề tài, dự án cấp nhà nước trong khuôn khổ của các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (từ năm 1980, chúng ta liên tục có chương trình khoa học và công nghệ biển, tiêu biểu là KC.09 về biển giai đoạn 2006 – 2010 và 2011 – 2015), trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương và các tập đoàn sản xuất. Các kết quả nghiên cứu đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận vào các thành tựu cơ bản, như: 1. Phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển (hệ thống thông tin, số liệu phong phú về điều kiện tự nhiên; nghiên cứu làm sáng tỏ hình thái, cấu trúc địa chất bờ biển, đáy biển và các hải đảo; đánh giá tiềm năng, dự báo triển vọng và định hướng tìm kiếm khoáng sản biển…); 2. Góp phần tích cực cho phát triển kinh tế – dân sinh biển, vùng ven biển và hải đảo (nghiên cứu triển khai và ứng dụng vật liệu và xây dựng công trình biển, hải đảo; nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, dự báo ngư trường…); 3. Đóng góp cho bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, bảo tồn thiên nhiên biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai (giám sát, cảnh báo và ứng phó ô nhiễm, sự cố môi trường biển…); 4. Hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ biển được tăng cường và mở rộng thông qua các hợp tác song phương và đa phương (các dự án hợp tác với các cơ quan khoa học biển thuộc các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế); 5. Triển khai, ứng dụng công nghệ biển tập trung chủ yếu vào một số ngành/lĩnh vực (dầu khí, hải sản, hàng hải, xây dựng công trình biển, kỹ thuật bờ biển, trắc địa – bản đồ biển và địa chất biển…).

*

Cảng biển nước sâu Dung Quất là một thế mạnh của Khu kinh tế Dung Quất để phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh: Phạm Danh).

Ứng dụng KHCN tiên tiến phục vụ vận hành và khai thác cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế theo mô hình cảng xanh, giảm thiểu ô nhiễm đối với khu vực và thân thiện với môi trường. KHCN cũng được ứng dụng trong việc quản lý và cấp phép tàu thuyền ra, vào cảng; Hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động hàng hải (nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam, hiện đại hóa hệ thống báo hiệu hàng hải lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), tiêu ra đa (RACON) trên hệ thống các đèn biển, lắp đặt phản xạ ra đa chủ động (RTE)…); Hiện đại hóa hệ thống các đài thông tin duyên hải, ứng dụng công nghệ thông tin vệ tinh, thiết lập hệ thống nhận dạng và truy tàu theo tầm xa (LRIT) và Đài Thông tin vệ tinh COSPAS – SARSAT thế hệ mới MEOSAR… Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp đóng tàu cùng là một trong những mũi nhọn. Công nghệ và thiết bị tiên tiến được ứng dụng trong nghiên cứu thử nghiệm, thiết kế, chế tạo các sản phẩm có chất lượng cao như tàu dầu, tàu cao tốc, tàu container, dàn khoan và các công trình trên biển…; tập trung chế tạo thiết bị báo hiệu hàng hải, chế tạo đèn biển, thiết bị báo hiệu vô tuyến điện RACON, AIS.

(3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác Vùng biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Đặc biệt, tiềm năng dầu khí phân bố trong 6 bồn trầm tích và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam. Ngoài ra, ven biển nước ta đã phát hiện được các sa khoáng, khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý, như: titan, ziacon, xeri. Một số mỏ cát vật liệu xây dựng dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng trên 100 tỷ tấn và một dãy cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). Bên cạnh đó, tiềm năng tài nguyên nước biển cũng rất lớn, với các dạng năng lượng biển, như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển. Thời gian qua, ngành dầu khí luôn giữ vai trò quan trọng trong kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung. Ngành dầu khí cũng được đánh giá là đơn vị đi đầu trong ứng khoa học – công nghệ vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh, ví dụ như: khảo sát địa chấn 2D, 3D, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong các nhà máy chế biến đạm, lọc dầu, xử lý khí…Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có 3 giải thưởng Hồ Chí Minh và 2 giải thưởng Nhà nước về KHCN. Công trình “Giải pháp thu gom và đưa khí vào bờ bằng đường ống trạng thái 3-pha” dài trên 350km từ mỏ Lan Tây vào bờ, công suất 7 tỉ m3/năm, vận hành an toàn 15 năm là biểu tượng về KHCN, một công trình KHCN tầm cỡ khu vực. PVN cũng đã tìm hiểu và tìm giải pháp đưa cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Đặc biệt, PVN và các DN thành viên đang triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về dầu khí, thống nhất định dạng các tài liệu, tiến tới sử dụng, truy xuất tài liệu để ứng dụng vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Việc tiếp tục ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của PVN trong thời gian hiện nay để tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng khó khăn, việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, việc định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản biển là cần thiết đối với các nhà khoa học và công nghiệp khai khoáng Việt Nam trong việc nghiên cứu ngành mỏ nước nhà một cách bền vững, đáp ứng sự biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ Khoa học được áp dụng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản biển cho quá trình thăm dò và đánh giá trữ lượng, bao gồm cả việc đánh giá địa cơ học; công nghệ cho phép triển khai hệ thống khai thác liên tục trở thành một phương án khả thi trong khai thác; công nghệ tuyển khoáng cho phép nâng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi khoáng sản; công nghệ cho phép khai thác trong các điều kiện địa chất – mỏ phức tạp, đồng thời bảo đảm thân thiện với môi trường.

Xem thêm: Điểm Chuẩn Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Hà Nội 2017, Điểm Chuẩn Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn

(4) Nuôi trồng và khai thác hải sản Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Chỉ tính riêng cá biển, có hơn 2.000 loài khác nhau đã được phát hiện, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế; có 15 bãi cá lớn, phân bố chủ yếu ở vùng ven bờ. Theo các số liệu thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Dọc ven biển có trên 37 nghìn héc-ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu, như: tôm, cua, rong câu… Ngoài ra, còn có hơn 50 nghìn héc-ta các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ, như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong,… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Một số tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nổi bật đã được áp dụng vào thực tế sản xuất như: 1. Công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường. Số lượng, chất lượng con giống cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, cá rô phi cơ bản đã được nâng lên, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất; tỷ trọng giống tôm nước lợ chất lượng được sản xuất trong nước đã tăng đáng kể, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, với giống tôm sú bước đầu đã được xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Thái Lan, Bangladesh…

*

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thuộc đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi” (Ảnh: Văn Bình).

2. Công nghệ nuôi tiên tiến như nuôi tuần hoàn, nuôi nước chảy, nuôi trong nhà, kỹ thuật biofloc… được ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt, công nghệ biofloc được ứng dụng rộng rãi ở các địa phương ven biển để nuôi tôm nước lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao và phòng chống được một số bệnh trên tôm nuôi, giảm ô nhiễm môi trường… Với việc nghiên cứu, phân tích dựa trên đặc điểm sinh học, sinh thái học của các đối tượng nuôi, một số mô hình nuôi ghép như: Tôm nước lợ- rong biển, bào ngư-rong biển… hoặc nuôi kết hợp như: Cá-lúa, tôm – lúa… đã được chuyển giao vào sản xuất. Các mô hình trình diễn về nuôi tôm bền vững theo hình thức nuôi thâm canh và nuôi theo hướng VietGap được triển khai quy mô nông hộ nâng cao tính bền vững của nghề nuôi trồng thủy sản Công nghệ sinh học đã, đang được ứng dụng rộng rãi và thể hiện rõ tính ưu việt, là một trong những nhân tố quan trong giúp ngành thủy sản phát triển bền vững và hiệu quả. Có thể liệt kê các ứng dụng của công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản như: các chương trình chẩn đoán bệnh, vắc-xin phòng ngừa bệnh, chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học kháng bệnh, sản xuất giống. Công nghệ sinh học tiên tiến cũng được áp dụng trong việc bảo quản lạnh lâu dài tinh, trứng, phôi phục vụ công tác chọn lọc, lai tạo các giống thủy sản nhằm tạo ra con giống chất lượng cao. Ứng dụng các công nghệ enzym, protein và vi sinh để sản xuất thức ăn và chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn cho một số đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, có hiệu suất tiêu hóa cao, giá thành hạ, sinh trưởng tốt, sản phẩm nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc ứng dụng KHCN đã là giảm giá thành sản xuất giảm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công nghệ giám sát, quản lý môi trường vùng nuôi và phòng trị dịch bệnh trên thủy sản nuôi đã được cải thiện, thiệt hại do sự cố môi trường và dịch bệnh đã giảm đến 70% so giai đoạn 2012-2014. Thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chi phí sản xuất đã giảm đáng kể, đặc biệt là chi phí thức ăn và hóa chất (Chi phí thức ăn nuôi tôm từ khoảng 60% giai đoạn 2012-2014 giảm xuống còn khoảng 42% năm 2018-2019. Chi phí sản xuất Tôm thẻ chân trắng từ khoảng 80.000 đ/kg giai đoạn 2012-2014 còn khoảng 65.000 đ/kg giai đoạn 2018-2019). Hơn nữa, công nghệ nuôi sạch, không sử dụng kháng sinh, chất cấm đã được ứng dụng phổ biến tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng. Gần đây, công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nuôi biển công nghiệp đang được áp dụng vào thực tiễn. Các thiết bị lồng hiện đại, chịu đựng được gió đến cấp 12, hệ thống hỗ trợ tiên tiến như hệ thống giám sát từ xa, hệ thống cho ăn tự động,….. cũng đã được áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cho nghề nuôi.

Khai thác và chế biến thủy sản Ngành chế biến thủy hải sản hiện nay trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng sản lượng năm 2019 đạt khoảng 8,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 8,6 tỷ USD, đóng góp 3,4% GDP toàn quốc và 24,4% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Đến nay, Việt Nam có hơn 620 cơ sở chế biến thủy, hải sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU…). Việc áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học chính là giải pháp tối ưu nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện ngành chế biến hải sản. Đáng chú ý như: 1. Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong việc tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT): Nguyên liệu thủy sản có đặc thù giàu dinh dưỡng như rất dẽ bị biến đổi trong quá trình chế biến và bải quản. Công nghệ sinh học đã được ứng dụng trong bảo quản và nâng cao chất lượng, đảm bảo giá trị dinh dưỡng và giá trị sinh học của nguyên liệu. Việc ứng dụng công nghệ enzyme (protease, lipase…), vi sinh vật đã tạo ra các bước đột phá không nhỏ ngành công nghiệp chế biến thủy sản đang dần “chuyển mình” sang một hướng đi mới tạo ra chuỗi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu như chuỗi các sản phẩm GTGT từ hàu (nước uống từ hàu, dầu hàu, rượu hàu, hàu xông khói, bột đạm hàu…), sản phẩm GTGT từ cá tra (đồ hộp cá tra không gia nhiệt, nước sốt từ cá tra, bột nêm ), surimi từ mực đại dưỡng,…. 2. Ứng dụng CNSH trong xử lý và phụ phẩm thủy sản: phế liệu, phụ phẩm là một trong những hạn chế của ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Theo công nghệ truyền thống thì phần lớn phụ phẩm trong các nhà máy chế biến thủy sản được làm nguyên liệu trong sản xuất bột cá hoặc thức ăn chăn nuôi. CHSH đã được áp dụng, nâng cao giá trị kinh tế của phế liệu và phụ phẩm của ngành chế biến thủy sản. Rất nhiều các sản phẩm có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng cao được tạo ra như bột đạm giàu peptid, dầu cá, dịch đạm từ phụ phẩm cá phục vụ sản xuất thực phẩm giàu dinh dưỡng, bột cá, bột xương giàu canxi, dịch đạm phục vụ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ sinh học từ nội tạng thủy sản, chế phẩm vi sinh vật…

*

Công nhân trong ca làm việc của Nhà máy chế biến thủy sản Hưng Phong, Khu công nghiệp Quảng Phú, Tp. Quảng Ngãi.

Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học trong chế biến bảo quản thủy sản đã tạo ra nhiều mặt hàng mới làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản từ những mặt hàng thủy sản sơ chế, đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam khá phong phú, đa dạng, giá trị gia tăng ngày càng cao, tỷ trọng sản phẩm gia tăng đạt gần 50%, đáp ứng mọi yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Một số công trình nghiên cứu Ứng dụng công nghệ về xử lý, sơ chế, bảo quản thủy sản trên tàu cá, các công nghệ làm lạnh trên biển để bảo quản hải sản, đặc biệt các dụng cụ chứa đựng, bảo quản thủy sản trên tàu được đầu tư nâng cấp đáng kể, đã góp phần làm giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản, tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn cho chế biến xuất khẩu. Công nghệ bảo quản và vận chuyển sống đối với một số loài hải sản như cá, nhuyễn thể, giáp xác… đã nâng cao giá trị cho nguyên liệu thủy hải sản, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Trong khai thác thủy sản, khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều khía cạnh như: thăm dò đàn cá, thiết bị khai thác, thiết bị dẫn dụ cá (đèn LED, âm thanh…), bảo quản sản phẩm khai thác.

(5) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Xem thêm: Kỹ Thuật Cơ Điện Tử Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Kỹ Thuật Cơ Điện Tử (Chương Trình Tiên Tiến)

Theo đánh giá tiềm năng kỹ thuật (dựa trên công nghệ tuabin trụ cố định và trụ nổi hiện có) của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vùng biển Việt Nam có tiềm năng tổng là gần 950 GW, trong đó vùng biển có độ sâu 0 – 30 m có công suất khoảng 200 GW, vùng biển có độ sâu 30 – 60 m có tiềm năng 280 GW, vùng biển có độ sâu 60 – 1000 m có tiềm năng 470 GW. Nếu được khai thác lắp đặt đầy đủ, công suất hàng năm có thể thu được 4160 TWh/năm gấp 20 lần nhu cầu điện sử dụng hiện nay của Việt Nam (khoảng 200 TWh/năm). Với tiềm năng kỹ thuật hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia có tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió biển tốt nhất thế giới. Để có thể từng bước khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng biển cho tương lai, rất cần những quyết sách quan trọng như: Đến năm 2030, phải xây dựng được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án năng lượng gió biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng gió biển quốc gia. Một vấn đề vô cùng quan trọng nữa đó là phải có quy hoạch không gian biển cho phát triển năng lượng gió biển Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để có thể hoàn thành những mực tiêu này thì nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, chính sách về năng lượng gió biển cùng với Chương trình KHCN (hoặc lồng ghép vào chương trình KHCN quốc gia) về năng lượng tái tạo biển cũng là một vấn đề hết sức quan trọng đảm bảo cho quá trình phát triển và tận dụng năng lượng biển. Trong khuôn khổ bài viết Bản tin, tôi chỉ trình bày những điểm cơ bản về vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế biển. Thay cho lời kết, xin trích dẫn lời của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Đất nước không thể phát triển nếu không có khoa học công nghệ, trong đó cần phát triển cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *