*
*

Bùi Thanh Đình

Khoa học xã hội và nhân văn là một lĩnh vực quan trọng trong nền khoa học của hầu hết mọi quốc gia. Trong lịch sử phát triển, các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại nói chung cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của các cộng đồng, quốc gia nói riêng. Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giúp cho người ta có những góc nhìn đa dạng về thực tại cuộc sống, có những lý giải, diễn giải các quá trình vận động và phát triển, cũng như đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, hệ quả, các mối quan hệ và dự đoán những diễn biến tiếp theo của các sự kiện, hiện tượng trong đời sống con người. Khoa học xã hội và nhân văn, một mặt là sản phẩm của quá trình sáng tạo của con người nên nó có tính lịch sử và mang tính chất của từng thời đại khác nhau và nó vận động theo sự vận động và phát triển của xã hội. Nhưng khoa học xã hội nhân văn cũng là một lĩnh vực khoa học nên nó có tính dự báo và góp phần vào việc cải tạo, biến đổi xã hội ở những mức độ khác nhau. Vậy nên, nói về các ngành khoa học xã hội nhân văn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, cộng đồng hay địa phương cũng luôn là một vấn đề rộng lớn và khó khăn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra thảo luận ba vấn đề chính: Các nhân tố quan trọng trong thời đại hiện nay đã tác động đến các ngành khoa học xã hội nhân văn như thế nào? Thứ hai là vai trò của các ngành khoa học xã hội nhân văn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của các cộng đồng, quốc gia. Và thứ ba, trên cơ sở đó thảo luận về vai trò của khoa học xã hội nhân văn đối với một địa phương là tỉnh Nghệ An.

Đang xem: Ngành khoa học xã hội và nhân văn là gì

Các nhân tố quan trọng tác động mạnh đến các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hiện nay

Chúng ta đã được chứng kiến một thế kỷ nở rộ của các ngành khoa học xã hội trong thế kỷ XX. Và những thập niên đầu thế kỷ XXI chúng ta cũng chứng kiến những biến đổi to lớn trong hệ thống các ngành khoa học xã hội ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng diễn ra trong hơn hai thập kỷ cuối thế kỷ XX cũng tác động mạnh mẽ đến xã hội và cả các ngành khoa học xã hội. Và sang đầu thế kỷ XXI, các ngành khoa học xã hội đã biến đổi nhanh chóng để đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc sống xã hội cũng như đảm bảo sự tồn tại một cách có giá trị của nó trong bối cảnh mới. Và càng ngày, các ngành khoa học xã hội nhân văn càng thay đổi nhanh chóng hơn dưới sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau, trong đó hai nhân tố tác động mạnh mẽ nhất chính là quá trình toàn cầu hoá và sự phát triển của kỹ thuật số (Stan BH Tan-Tangbau 2019, tr.3).

1.1. Toàn cầu hoá khoa học xã hội và nhân văn

Toàn cầu hoá khoa học xã hội và nhân văn thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật nhất là tạo nên hệ thống các tiêu chí để đánh giá các nền khoa học xã hội cũng như đưa ra các mục tiêu toàn cầu cho các nền khoa học xã hội theo đuổi. Đầu tiên là cuộc chạy đua về công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (và đương nhiên cả các lĩnh vực khoa học khác). Những tạp chí quốc tế uy tín được hình thành với hệ thống tiêu chí đánh giá và quy trình phản biện khoa học nghiêm ngặt trở thành những địa chỉ đáng tin cậy trong cuộc chạy đua công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu. Và hệ thống tạp chí này cũng được đánh giá theo một hệ thống tiêu chí để xếp loại chính các tạp chí. Từ đây, cuộc chạy đua về công bố quốc tế lan rộng ra các cơ quan nghiên cứu, đào tạo cũng như mạng lưới các nhà nghiên cứu. Các trường đại học và các viện nghiên cứu xem số lượng bài viết công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế uy tín như là một mục tiêu quan trọng để theo đuổi. Nhiều cơ quan đã treo thưởng lớn cho những nghiên cứu được công bố quốc tế trên tạp chí uy tín. Nó đẩy mạnh hơn nữa quá trình toàn cầu hoá khoa học xã hội và nhân văn, khi mà các nghiên cứu từ đây đều hướng theo sự quan tâm của các tạp chí quốc tế cũng như quy trình kỹ thuật lẫn lý luận, phương pháp luận và cả nhận thức luận. Họ cố gắng làm sao để các nghiên cứu của mình được các tạp chí quốc tế chấp nhận. Và ngược lại, khi có nhiều công bố quốc tế cũng giúp cho các nhà nghiên cứu, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo “trở nên uy tín hơn” trong cộng đồng học thuật. Những chức danh như chuyên gia quốc tế, chuyên gia uy tín quốc tế hay học giả quốc tế trở thành những mục tiêu, những danh hiệu mà các nhà nghiên cứu hướng đến. Thứ hai là cuộc đua xếp hạng các cơ quan nghiên cứu và đào tạo. Đó là xếp hạng các trường đại học để xem xét uy tín cũng như chất lượng của các trường đại học trên thế giới, trong khu vực cũng như trong các quốc gia. Trong việc xếp hạng khoa học thì công bố quốc tế cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá. Hai cuộc chạy đua công bố quốc tế và xếp hạng khoa học theo các tiêu chí toàn cầu đã làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt các nền khoa học xã hội, từ hướng đến định hướng địa phương, quốc gia sang hướng toàn cầu, quốc tế.

Những cuộc chạy đua xếp hạng khoa học cũng như công bố quốc tế, dù rộng lớn nhưng cũng mang tính bó hẹp, bởi chủ yếu nó tập trung vào các cộng đồng Anh ngữ, nhất là công bố quốc tế. Và về cơ bản, lợi ích chủ yếu dành cho các nhà nghiên cứu và các cơ quan nghiên cứu, đào tạo. Các nhà nghiên cứu có nhiều công bố quốc tế thì đạt được danh hiệu chuyên gia quốc tế, học giả uy tín quốc tế và có điều kiện để tiếp cận các nguồn lực khác hơn hay đạt được nhiều lợi ích khác từ xã hội cũng như hệ thống chính trị. Các trường đại học, viện nghiên cứu có nhiều công bố quốc tế, được xếp hạng cao thì cũng trở thành cơ quan khoa học uy tín và có thể tuyển sinh dễ dàng hơn, thu hút được nhiều sự quan tâm hơn. Nhưng đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn, là những con người mà các nhà nghiên cứu khai thác thông tin tư liệu để nghiên cứu nhận lại được những gì từ quá trình toàn cầu hoá khoa học xã hội, lại trở thành một câu hỏi quan trọng.

1.2. Kỹ thuật số tác động đến các ngành khoa học xã hội và nhân văn

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã ngày càng tác động sâu sắc đến hoạt động của các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đặc biệt là sự phát triển của kỹ thuật số và quá trình số hoá các cơ sở dữ liệu khoa học. Kỹ thuật số và công nghệ thông tin đã giúp cho cộng đồng học thuật sát lại gần nhau hơn trong việc thảo luận, trao đổi quan điểm và chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học. Nó giúp hình thành các cộng đồng học thuật chuyên ngành và liên ngành, dựa trên nhiều mối liên kết khác nhau từ đối tượng nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu hay các trường phái, quan điểm khoa học. Các nhóm này không ngừng mở rộng liên kết cũng như đi sâu vào các mối quan tâm học thuật để tạo ảnh hưởng ra cộng đồng. Điều này tạo ra một hướng phát triển mới của các ngành khoa học xã hội và nhân văn dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, đa dạng và đa chiều.

Trước đây, nguồn tài liệu khoa học tập trung chủ yếu ở các thư viện và các trung tâm lưu trữ tư liệu. Nhưng ngày nay, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Khoa học công nghệ và kỹ thuật số giúp cho các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận các nguồn tài liệu học thuật ở những nơi xa xôi cách họ hàng vạn cây số một cách nhanh chóng. Sự hình thành các mạng lưới học thuật cũng tạo không gian cho các học giả chia sẻ các nguồn tư liệu và thảo luận các quan điểm về học thuật với nhau một cách dễ dàng hơn. Những cơ quan học thuật đã tiến hành số hoá các tài liệu khoa học để tạo thành các hệ thống dữ liệu lớn và sẵn sàng chia sẻ với các học giả quan tâm trên cơ sở miễn phí hoặc thu phí tuỳ cơ quan, tuỳ tài liệu. Nhưng điều đó giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp cận tài liệu một cách dễ dàng hơn. Và các nguồn tài liệu được số hoá cũng đa dạng, đa chiều, không bị bó hẹp về đối tượng, phương pháp hay mục tiêu nghiên cứu cũng như các hệ tư tưởng chính trị.

Một hệ quả quan trọng nữa mà công nghệ thông tin và kỹ thuật số mang lại cho khoa học xã hội và nhân văn là làm thay đổi mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Trước đây, hoạt động sản xuất tri thức như là đặc quyền của các nhà nghiên cứu. Các đối tượng nghiên cứu gần như độc lập với quá trình sản xuất tri thức của các nhà nghiên cứu dù họ là những người cung cấp dữ liệu cũng như là cơ sở dữ liệu quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội. Nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số đã giúp cho những người bình thường, vốn được coi là đối tượng nghiên cứu, cũng có thể tham gia vào quá trình sản xuất và thẩm định các tri thức khoa học liên quan đến họ. Hoặc những người là đối tượng nghiên cứu cũng có thể đọc và bình luận về những nghiên cứu liên quan đến họ của các nhà nghiên cứu công bố trên các tạp chí và được chia sẻ trên mạng internet. Nghĩa là khoa học công nghệ và kỹ thuật số đã giúp cho đối tượng nghiên cứu có điều kiện tham gia vào quá trình sản xuất tri thức hay thẩm định, thảo luận về các tri thức khoa học liên quan đến họ, điều mà trước đây rất khó để họ có thể làm được.

Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình toàn cầu hoá nền khoa học xã hội và chuyển đổi kỹ thuật số. Trong khoảng một thập kỷ gần đây, không ngừng đẩy mạnh quá trình tham gia vào cuộc chạy đua công bố quốc tế cũng như xếp hạng cơ quan khoa học. Một mặt, nó giúp cho nền khoa học xã hội Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu sắc hơn với nền khoa học xã hội trên thế giới. Mặt khác, nó cũng đẩy nền khoa học xã hội đi xa hơn thực tiễn phát triển của đất nước để rồi việc ứng dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhất là mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu cũng trở nên thay đổi. Tuy nhiên, nhìn chung, do đang ở bước đầu quá trình chuyển đổi nên sự nhập nhằng giữa đen và trắng, giữa khoa học với chính trị và kinh tế còn chưa rõ ràng. Các động thái liên quan đến nghiên cứu khoa học vẫn biến chuyển một cách khó xác nhận. Và nó càng làm cho vai trò của các ngành khoa học xã hội trở nên mập mờ hơn.

Vai trò của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong quá trình phát triển

2.1. Trong bối cảnh chung trên thế giới

Vai trò của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội như thế nào tưởng chừng như là một câu hỏi đơn giản mà bất cứ ai trong lĩnh vực này cũng có thể trả lời. Ấy vậy mà không đơn giản chút nào bởi đây là vấn đề phức tạp. Bản thân cơ cấu các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã phức tạp, quá trình phát triển lại càng phức tạp hơn nên không dễ gì để gói gọn lại vai trò của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong cuộc sống. Và vấn đề này đã được nhiều học giả quan tâm. Bất cứ ngành học nào trong hệ thống khoa học xã hội và nhân văn cũng khẳng định vai trò của mình từ những bài học nhập môn. Và họ cũng khẳng định vị thế xã hội của mình thông qua vai trò của ngành đối với sự phát triển. Nhưng thực tiễn phát triển đa dạng và thay đổi nhanh chóng nên không dễ để tổng quát vai trò của các ngành khoa học vào một vài ý kiến được. Vấn đề vô cùng quan trọng mà lâu nay đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm là khả năng ứng dụng của các ngành khoa học xã hội vào việc sản xuất ra của cải vật chất cũng như góp phần vào quá trình phát triển. Không phải ngành khoa học xã hội nào cũng dễ dàng đưa vào ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng trong lĩnh vực phát triển. Nhưng không thể vì vậy mà xem nhẹ vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong quá trình phát triển. Bởi, chúng ta cần phải hiểu rằng, “tính đặc thù của khoa học xã hội, vốn mang tính chất vừa phê phán, vừa thực tiễn, nên đem đến cho chúng một vị thế riêng biệt là đứng giữa khoa học tự nhiên và triết học. Trên thực tế, có thể trông đợi nhà nghiên cứu khoa học xã hội trở thành đồng thời một nhà trí thức và một chuyên gia, tức là vừa suy tư vừa thực hành ứng dụng. Trong mấy thập niên tới, thách đố chính đối với khoa học xã hội là thu hẹp khoảng cách giữa các dạng văn hoá chuyên nghiệp với văn hoá trí tuệ, giữa kiến tạo luận với hiện thực chủ nghĩa là những đặc trưng của chúng” (Maurica Aymard và Alikazancigil (2007, tr.27-28).

Xem thêm: Đào Tạo Tín Chỉ Đại Học Khoa Học Khoa Học, Đh Huế, Các Ngành Đào Tạo Đại Học

Khoa học xã hội luôn giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, đặc biệt trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách phát triển “Khoa học xã hội có khả năng cung cấp cho người quyết định một tập hợp phong phú các thông tin, khái niệm và lý luận. Toàn bộ những dữ liệu này có thể góp phần làm cho biện pháp chính trị thích đáng hơn vì có cơ sở để hiểu biết đúng hơn các điều kiện hiện tại và có khả năng hơn, đạt tới những kết quả nhờ đó các điều kiện ấy được chấp nhận” (Carol Hirschon Weiss, 2007: trang 473). Có những thời đoạn, người ta quá coi trọng và ưu tiên cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà coi nhẹ vai trò của khoa học xã hội. Đặc biệt là cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khoa học kỹ thuật làm thay đổi toàn bộ bộ mặt thế giới. Nhưng nó cũng góp phần mang lại một hệ lụy là bùng nổ các cuộc chiến tranh quy mô lớn. Trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới khiến người ta phải xem xét lại vị trí của các ngành khoa học, trong đó có khoa học xã hội. Sau chiến tranh thế giới thứ II, các nhà khoa học xã hội đã nhấn mạnh đến vai trò của khoa học xã hội đối với quá trình nhận thức và hoạch định chiến lược phát triển ở cả cấp vĩ mô lẫn vi mô. Những thảo luận đó đã được nhà nghiên cứu Carol Hirschon Weiss (2007) tổng hợp và nhấn mạnh đến 4 vai trò chính sau: (i). Phản ánh thực trạng, phạm vi và phân bố các vấn đề xã hội, mô tả diễn biến của các vấn đề xã hội. (ii). Phân tích nguồn gốc của các vấn đề và nguyên nhân gia tăng của các vấn đề đó. (iii). Nghiên cứu, đề xuất những phương pháp đối chứng trong tiếp cận các vấn đề này nhằm xác định chính sách tốt nhất để giải quyết vấn đề xã hội. (iv). Đánh giá những hậu quả của các chính sách, các chương trình đã được chấp nhận để đi đến quyết định có nên tiếp tục theo đuổi hay dừng lại hoặc phải thay đổi. Vì vai trò này nên nghiên cứu khoa học xã hội cần phải cung cấp những phương hướng chỉ đạo để cải thiện các chính sách và cải thiện nhân loại.

Như vậy, có thể tóm lại rằng, trong bối cảnh hiện nay, các ngành khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, nhất là theo các định hướng và chiến lược phát triển bền vững và phát triển hài hoà. Trước hết là vai trò về nhận thức luận. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn giúp con người nhận thức rõ hơn về bản chất và sự biến đổi của xã hội loài người, và cả về cảnh quan sinh thái liên quan đến cuộc sống con người. Những diễn giải có tính khoa học giúp cho các tổ chức chính trị, nhà nước và các cộng đồng tìm kiếm những chiến lược phát triển hợp lý hơn. Khoa học xã hội và nhân văn cũng là cơ sở nền tảng để con người lựa chọn chương trình hành động sao cho hợp lý và hiệu quả hơn, phù hợp với bối cảnh cụ thể. Và cuối cùng, khoa học xã hội và nhân văn cũng có vai trò dự báo các xu thế biến đổi nhằm giúp cho con người lường trước, tính toán để giảm thiểu rủi ro hay tránh được những hậu quả nặng nề mà sự biến đổi có thể mang lại.

2.2. Trong bối cảnh Việt Nam

Ở Việt Nam, việc đánh giá, phân tích vai trò của các ngành khoa học xã hội nhân văn đối với cuộc sống, với sự phát triển của cộng đồng, của dân tộc vẫn còn rất hạn chế. Vai trò, vị trí của các ngành khoa học xã hội thường được các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh qua các diễn ngôn trong các sự kiện kỷ niệm về ngành hay các sự kiện văn hóa, xã hội có liên quan. Và hầu hết các diễn ngôn này mang tính động viên, khích lệ hơn là việc nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của ngành khoa học xã hội với đời sống. Sự quan tâm chỉ được thể hiện bằng các diễn ngôn thôi thực chất chưa đủ để cho các ngành khoa học xã hội phát triển, nhất là trong bối cảnh nó còn chịu nhiều ảnh hưởng từ hệ tư tưởng, hệ thống chính trị và bộ máy tổ chức quản lý nhà nước và xã hội. Chính vì lẽ đó, chúng ta có cả một nền khoa học xã hội đi làm nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chính sách nhưng lại có không nhiều các nghiên cứu khoa học xã hội có chất lượng và có đóng góp thật sự vào sự phát triển của cộng đồng, của dân tộc. Các nhà quản trị xã hội thực sự cũng chưa coi trọng vai trò của khoa học xã hội, chưa thực sự cầu thị đón nhận các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội vào quá trình quản trị xã hội, chưa sẵn sàng mời gọi các nhà khoa học xã hội tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, dự án phát triển. Ở chiều hướng ngược lại, các nhà khoa học xã hội, phần lớn cũng can tâm với vị thế “đi rao giảng” với các đồng nghiệp, các cộng đồng của mình hơn là nỗ lực phá bỏ các rào cản từ hệ tư tưởng, từ bộ máy chính trị để hướng đến những công trình nghiên cứu có chất lượng và có giá trị thật sự.

Gần đây, khi sự hội nhập thế giới càng sâu rộng thì người ta mới nhìn nhận lại vị trí của các ngành khoa học xã hội, các nhà khoa học xã hội đang ở đâu trong quá trình phát triển của đất nước. Đó cũng là một vấn đề quan trọng để định vị lại quá trình phát triển của đất nước. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng: Để xây dựng và thực hiện một chính sách, một dự án phát triển thì cần có sự hỗ trợ của các ngành khoa học xã hội để nhận thức cũng như lựa chọn phương án và đánh giá tác động của nó. Điều đó hạn chế được nhiều bất cập, hạn chế các tác động tiêu cực, các rủi ro ở mức thấp nhất cho các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, điều đó không dễ chút nào. Như Phạm Quang Minh (2019) đã phân tích, “hiện nay đang có tình trạng những người học trong nước thì hiểu Việt Nam nhưng lại không có được lý thuyết và cách tiếp cận ở phương Tây, còn những người học ở phương Tây về thì lại không hiểu nội tại của Việt Nam. Cả hai phía đều cần thời gian để học hỏi, tìm hiểu thêm. Trong khi đó, ngôn ngữ vẫn đang là một rào cản với chúng ta. Nếu như ở Nhật Bản, hệ thống lý thuyết phương Tây được dịch rất đầy đủ, thì ở ta việc dịch thuật còn ở mức “lõm bõm” và chắp vá”. Để khắc phục những khó khăn này thì điều quan trọng là phải phát triển nền giáo dục theo kịp với sự phát triển của thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển bền vững và lành mạnh, thì cần phải nâng cao vai trò của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nâng cao vị thế cũng như tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Muốn làm được điều đó, như Carol Hirschon Weiss (2007, tr.473) đã nhấn mạnh: “Điều kiện thuận lợi để sử dụng công trình nghiên cứu bao gồm một hệ thống chính trị mở, coi trọng tính duy lý, một cộng đồng tích cực những nhà nghiên cứu chuyên tâm về các công trình quan hệ với chính sách công, các dòng kênh vững chắc có khả năng phổ biến kết quả nghiên cứu. Nó cũng bao gồm sự đối thoại thường xuyên giữa người nghiên cứu và ra quyết định, những người ra quyết định này có trình độ đủ về lĩnh vực khoa học xã hội để có khả năng đánh giá và hiểu được những thông điệp ấy”.

Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An và sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà

Có thể nói, trong hơn một thập kỷ qua, các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Nghệ An đã có nhiều thay đổi tích cực hơn so với trước. Trước hết là được chính quyền quan tâm nhiều hơn, đầu tư tiền bạc và tạo điều kiện để đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Cùng với đó là sự hình thành và phát triển của một số cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở các trường đại học, sở khoa học công nghệ, sở văn hoá thể thao… Nhiều công trình khoa học xã hội liên quan đến Nghệ An đã được nghiên cứu và công bố từ những bài viết nghiên cứu đến các cuốn sách tham khảo, chuyên khảo và cả những bộ sách đồ sộ như Nghệ An toàn chí đều được quan tâm. Có thể nói, đây là những kết quả đáng kể của các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Nghệ An. Nhưng để khoa học xã hội và nhân văn đóng góp to lớn hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Trước hết, chúng ta cần phải xác nhận lại sự phát triển của tỉnh Nghệ An đang cần các ngành khoa học xã hội và nhăn văn giải quyết những vấn đề gì? Trước hết, là cần phải nhận thức lại vai trò, vị thế và định hướng phát triển của Nghệ An. Nếu trước đến nay, các nghiên cứu tập trung nhiều vào lịch sử, văn hoá, con người Nghệ An thì những sự biến đổi kinh tế xã hội và văn hoá hiện nay của tỉnh vẫn chưa được quan tâm. Và khi chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về sự vận động, biến đổi của địa phương thì thật khó để đóng góp vào sự phát triển. Vậy nên khoa học xã hội cần phải đảm nhận vai trò giúp cho chính quyền cũng như người dân và những ai quan tâm nhận thức đủ và đúng hơn sự vận động của kinh tế xã hội và văn hoá trong bối cảnh hiện nay. Thứ hai là dự báo các xu hướng phát triển cũng như những hệ quả mà sự biến đổi đó có thể tạo ra cho con người để tư vấn cho chính quyền xây dựng các chính sách phát triển phù hợp với điều kiện, bối cảnh cụ thể của địa phương. Tư vấn trên cơ sở nghiên cứu khoa học khách quan và chính xác để có được những chiến lược phát triển hiệu quả. Thứ ba là nghiên cứu, đánh giá tác động của các dự án, chính sách của nhà nước đối với các bên liên quan để xem xét và góp ý cho chính quyền về việc thực hiện, sửa đổi các chính sách sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể nhằm hạn chế rủi ro và tránh các xung đột giữa các bên liên quan. Nói chung là cần khoa học xã hội nhân văn phân tích được thực trạng của địa phương hiện nay như thế nào? Những vấn đề đặt ra là gì? Đưa ra những phương án, chính sách để giải quyết các vấn đề nhằm đẩy mạnh phát triển, và đánh giá tác động cũng như điều chỉnh các chính sách, dự án sao cho phù hợp để tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Ngược lại, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng cần gì để thực hiện vai trò của mình? Về chủ quan, các nhà nghiên cứu cần phải học hỏi, tiếp thu, mở rộng giao lưu để tiếp cận các lý thuyết, phương pháp tiếp cận mới trên thế giới, và có phương pháp vận dụng vào điều kiện của mình sao cho phù hợp. Ở Nghệ An hiện nay, chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn còn rất hạn chế. Sự thu hút các học giả trong và ngoài nước còn chưa được rộng mở lắm vì nhiều lý do khác nhau. Vậy nên, để tiếp cận được sự thay đổi của các ngành khoa học xã hội trên thế giới là vấn đề không đơn giản. Nhưng để phát triển thì nhất thiết phải làm được. Về khách quan, thì cũng cần có môi trường nghiên cứu khoa học thật sự lành mạnh để các nhà nghiên cứu có thể thể hiện sự sáng tạo của mình. Còn môi trường, điều kiện như thế nào để các nhà nghiên cứu phát triển thì ở phía trên đã phân tích khá rõ ràng. Và chúng ta cũng không có con đường ngoại lệ.

Xem thêm: 70+ Đề Tài Nghiên Cứu Khoa Học Của Sinh Viên Môi Trường, Danh Mục Đề Tài Nckh Sinh Viên

Nói tóm lại, khoa học xã hội và nhân văn ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa được coi trọng vì chưa tham gia trực tiếp vào việc tạo ra của cải vật chất. Nhưng trong quá trình phát triển, các ngành khoa học xã hội và nhân văn đang ngày càng được quan tâm. Đó là tín hiệu tốt. Nhưng để nó có thêm nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của địa phương thì cần phải giải quyết nhiều vấn đề từ cải cách giáo dục, phát triển và hội nhập khoa học, thay đổi cơ chế chính sách về nghiên cứu khoa học, bỏ cơ chế xin-cho hay chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị để mở đường cho khoa học xã hội đi sâu khám phá, diễn giải thực trạng đất nước, thực trạng địa phương để nhận thức và hành động phù hợp và hiệu quả hơn. Và đương nhiên, trong đó, con người, mà cụ thể là các nhà nghiên cứu cần phải định vị lại bản thân mình cũng như công việc sản xuất tri thức của mình trong xu hướng phát triển của khoa học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *