I. GIỚI THIỆU LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2013

Luật khoa học và công nghệ năm 2013 gồm 11 chương, 81 điều.

Đang xem: Luật khoa học công nghệ mới nhất

Chương I về Những quy định chung gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8. Lưu ý trong chương này, Luật có nêu ngày 18/5 là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam để người dân quan tâm đến với giới khoa học, tôn vinh giới làm khoa học.

Chương II về Tổ chức khoa học và công nghệ gồm 10 điều, từ Điều 9 đến Điều 18. Làm rõ hình thức, phân loại tổ chức khoa học và công nghệ; quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; quy định rõ điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ (theo Nghị định 113); quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ.

Chương III về Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ gồm 6 điều, từ Điều 19 đến Điều 24. Quy định rõ các chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học; ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ; thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.

Chương IV về Xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kho học và công nghệ gồm 19 điều, từ Điều 25 đến Điều 43. Đề xuất, phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đánh giá, nghiệm thu, đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu; phân chia lợi nhuận, chuyển giao quyền sử dụng.

Chương V về Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ gồm 5 điều, từ Điều 44 đến Điều 48. Trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước; khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đổi mới sáng tạo; truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

Chương VI về Đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học và công nghệ gồm 17 điều, từ Điều 49 đến Điều 65. Ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ; áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chính sách của nhà nước về huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ; đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ; quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, tỉnh, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; chính sách thuế, tín dụng đối với hoạt động khoa học và công nghệ.

Chương VII về Xây dựng cơ bản hạ tầng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ gồm 4 điều, từ Điều 66 đến Điều 69. Quy định việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển khoa học và công nghệ.

Chương VIII về Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ gồm 3 điều, từ Điều 70 đến Điều 72. Các biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển về khoa học và công nghệ hiện tại và những năm tới (Điều 72).

Chương IX về Trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ gồm 4 điều, từ Điều 73 đến Điều 76. Quy định phạm vi trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ làm cơ sở để kiện toàn và nâng cao hiệu lực cũng như hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ Trung ương xuống cơ sở.

Chương X về Khen thưởng và xử lý vi phạm gồm 3 điều từ Điều 77 đến Điều 79. Việc phong, tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước, khen thưởng và giải thưởng khoa học và công nghệ; nhận danh hiệu, giải thưởng khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế; xử lý vi phạm.

II. NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2013

1. Chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ 

Là một trong những điểm đột phá về chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, đi dự các hội nghị quốc tế, v.v.. đối với nhà khoa học đầu ngành, trình độ cao, hoặc đang chủ trì các đề tài, dự án quốc gia (Điều 23). Đặc biệt tạo điều kiện cho nhà khoa học được đầu tư tiềm lực (cơ sở vật chất và nguồn nhân lực) để tổ chức nghiên cứu. Nhà khoa học được ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động khoa học và công nghệ. Luật đưa ra những quy định cụ thể, trong đó có nêu rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ.

Xem thêm: Mẫu Phụ Lục Hợp Đồng Phát Sinh Khối Lượng Thi Công, Phụ Lục Hợp Đồng Bổ Sung Khối Lượng Xây Dựng

Đối với nhà khoa học được giao chủ trì đề tài, dự án quan trọng cấp quốc gia, ngoài những ưu đãi của người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học, chức danh công nghệ, còn được: hưởng mức lương và phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận với cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ; được bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao; bên cạnh đó toàn quyền quyết định việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đề xuất việc điều động nhân lực khoa học và công nghệ, kinh phí thực hiện nhiệm vụ và các nguồn lực vật chất, tài chính; thuê, thỏa thuận chi phí thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài; tự quyết định việc mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ trong phạm vi dự toán kinh phí được giao; tự quyết định và được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.

Đối với nhà khoa học trẻ tài năng, ngoài những ưu đãi của người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học, còn được: ưu tiên xét cấp học bổng để nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước; thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này; được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng và ưu tiên chủ trì, tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác. Luật cũng khuyến khích nhà khoa học trẻ có tài được đề bạt, bỏ qua rào cản “sống lâu lên lão làng”; nhà khoa học trẻ, có trình độ và thành tích có thể được bổ nhiệm lên vị trí cao mà không cần đủ thâm niên như trước đây.

Để thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài: được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo các tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, xét công nhận chức danh khoa học, chức danh công nghệ; được hưởng lương theo chế độ thuê chuyên gia theo quy định của Chính phủ; được hưởng các ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (Điều 24).

2. Tổ chức khoa học và công nghệ

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng nghiên cứu hoặc đặt hàng nghiên cứu cho nhà khoa học (Điều 26). Mô hình đặt hàng đối với nhà khoa học, được coi là phương thức tối ưu nhằm gắn mục tiêu của nghiên cứu khoa học và công nghệ với những vấn đề thực tiễn, tránh được tình trạng kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu không có địa chỉ sử dụng. Luật đưa ra quy định về đánh giá, xếp hạng các tổ chức khoa học và công nghệ, đây là cơ sở xem xét tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với chính sách ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước, cho vay, tài trợ, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao). Nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp trong việc chọn đề tài, dự án để triển khai, Luật lần này đưa ra các quy định về việc công bố công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên trang thông tin điện tử; quy định về đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Luật quy định có ba phương thức giao thực hiện đề tài, dự án: (i) giao trực tiếp từ tự đề xuất; (ii) giao trực tiếp bằng cách nhà nước đặt hàng; (iii) tuyển chọn từ nhiều các đề xuất cùng muốn thực hiện một đề tài, dự án. Phương thức ‘tuyển chọn’ là một hình thức đặc thù của đấu thầu nhằm bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Ứng dụng kết quả nghiên cứu và phổ biến kiến thức KH&CN

Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án mà không triển khai ứng dụng hay chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ  thì sẽ không được tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong thời hạn ba năm kể từ ngày bị xử lý vi phạm. Nếu chủ nhiệm đề tài dự án và cơ quan chủ trì đề tài dự án khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, đời sống thì sẽ được Nhà nước ưu tiên khi xét tuyển chọn, giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với ngân sách nhà nước, ngoài ra còn được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng và các ưu đãi khác. Bên cạnh đó, Luật lần này cũng quy định trách nhiệm phổ biến kiến thức, truyền thông khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án.

4. Phương thức đầu tư cho khoa học và công nghệ

Thời gian qua, nhiều kết quả điều tra cho rằng, vướng mắc về cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học và công nghệ là cản trở lớn nhất trong hoạt động khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, Luật đã đưa ra những quy định theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, làm nổi bật vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, quy định cụ thể hơn về những ưu đãi thuế và tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ.

Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ. Ngân sách cho khoa học và công nghệ phải được ghi thành một mục chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Việc phân bổ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ (Điều 49), bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ để đầu tư lại cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp (Điều 55, 56, 63).

Luật cũng quy định mục đích sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, trong đó mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên; áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động khoa học và công nghệ; cơ chế đầu tư đặc biệt để thực hiện các dự án khoa học và công nghệ đặc biệt, quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.

Ở các nước phát triển, phần lớn tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ đến từ các doanh nghiệp, còn nhà nước chỉ chi khoảng 25-30% cho các nghiên cứu cơ bản và các đề án có tầm quan trọng chiến lược. Việc các doanh nghiệp dành kinh phí cho các R&D bằng hình thức tự tổ chức triển khai và/hoặc đặt hàng cho các viện, trường đại học triển khai nghiên cứu không chỉ được quy định thành Luật mà còn là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trong việc đổi mới sáng tạo để cạnh tranh ở quy mô quốc gia và quốc tế. Còn ở ta, do năng lực các doanh nghiệp còn nhỏ, nhu cầu đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển chưa cao nên không mấy doanh nghiệp tự ý thức được việc này. Nay dù muốn hay không doanh nghiệp cũng phải trích một phần lợi nhuận để tái đầu tư cho các R&D nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm (Điều 63). 

Để khuyến khích phát triển loại hình “Doanh nghiệp khoa học và công nghệ”, Luật quy định Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi: được giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu kết quả khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao kể từ khi có thu nhập chịu thuế theo quy định của Chính phủ; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

5. Quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học và công nghệ; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ 

Quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học và công nghệ được đổi mới thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và các Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, tỉnh (Điều 59, 60, 61, 62, 63). Mô hình Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ được hầu hết các nước tiên tiến áp dụng. Mô hình Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cho phép quản lý và sử dụng kinh phí theo phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng mà bỏ qua lối quản lý hành chính, thanh quyết toán theo năm kế hoạch, vừa phức tạp, nhiêu khê, chiếm quá nhiều thời gian công sức của nhà khoa học và cả nhà quản lý.  Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tài trợ, cấp kinh phí cho việc thực hiện nghiên cứu; cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi để thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu; bảo lãnh vốn vay đối với một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt; hỗ trợ nhà khoa học trẻ tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ được hình thành từ nguồn vốn được cấp ban đầu, vốn cấp bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ, kết quả hoạt động của quỹ; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác. Ngoài Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, còn có Quỹ Đổi mới công nghệ và Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao hoạt động theo Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Công nghệ cao.

6. Quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và phân chia lợi ích từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Để đảm bảo quyền lợi của nhà khoa học, nhất là đối với các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Luật quy định về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó quy định đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước được đại diện chủ sở hữu nhà nước xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu, quyền sử dụng cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc tổ chức có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đồng thời, lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì và người môi giới.

7. Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

Để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế vể khoa học và công nghệ, bên cạnh các quy định về đa dạng hóa các hoạt động hội nhập quốc tế (chẳng hạn như thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và đầu tư thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam ở nước ngoài; phát triển mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài; thu hút, thuê chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các chương trình đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ và các hoạt động khoa học và công nghệ hội nhập quốc tế khác,…), Luật đưa ra một số quy định về các biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ như: xây dựng một số tổ chức, nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; kết nối mạng thông tin tiên tiến, hiện đại của khu vực và quốc tế về nghiên cứu và đào tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

Xem thêm: Digital Marketing Chuỗi Khóa Học Marketing Ngắn Hạn ? Học Chứng Chỉ Marketing Ngắn Hạn Nên Hay Không

8. Vinh danh các nhà khoa học, ngày khoa học

Ngoài những quy định về các loại giải thưởng khoa học và công nghệ của Nhà nước, giải thưởng khoa học và công nghệ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, Luật còn quy định về danh hiệu vinh dự nhà nước đối với các nhà khoa học, nhà công nghệ có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Luật còn quy định “ngày khoa học và công nghệ Việt Nam” là ngày 18 tháng 5 hàng năm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *