Trong tiến trình lịch sử xây dựng và trưởng thành của Học viện, cùng với nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học quân sự của Học viện Lục quân có những bước phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến công tác giáo dục – đào tạo, đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Đang xem: Công tác nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học quân sự gắn với nhiệm vụ giáo dục

Vinh dự, tự hào với những thành tích đáng trân trọng và sự phát triển chung của Học viện suốt 75 năm qua, không thể không nói đến hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học quân sự, hai mặt công tác thuộc nhiệm vụ chính trị quan trọng của Học viện; luôn quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, bám sát thực tiễn chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta. Hai hoạt động này luôn gắn liền với nhau ngay từ ngày đầu thành lập; kết quả của các mặt công tác đều hướng tới mục đích chung là nâng cao trình độ kiến thức và năng lực về khoa học quân sự, thông tin khoa học quân sự cho các thế hệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; góp phần đào tạo ra những cán bộ quân sự cho toàn quân vừa hồng vừa chuyên, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

*

 

Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, khoa, hệ; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học quân sự trong quá trình xây dựng và phát triển của Học viện Lục quân, cụ thể:

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Đến nay, Học viện đã tổ chức nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài khoa học về nghệ thuật quân sự, khoa học nhân văn quân sự cấp Bộ Quốc phòng và cấp Học viện. Các đề tài khoa học đều được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt. Kết quả nghiên cứu kịp thời được vận dụng trong chiến đấu, trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại các học viện, nhà trường, đơn vị trong toàn quân.

Với phương châm tích cực đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học, công tác biên soạn tài liệu, giáo trình của Học viện được tổ chức chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình; nội dung tài liệu luôn cập nhật thông tin mới và được nghiệm thu đảm bảo chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu huấn luyện, tham khảo của cán bộ, giảng viên, học viên tại Học viện và trong toàn quân. Đặc biệt, đã biên soạn được hệ thống tài liệu theo cụm địa hình và tài liệu huấn luyện cho học viên nước bạn Campuchia nghiên cứu, học tập tại Học viện.

Cùng với đó, tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo là hình thức hoạt động không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học. Thông qua hội nghị khoa học, các thành viên hội đồng khoa học Học viện, ban chỉ đạo đã phát huy được trí tuệ tập thể, đề xuất được nhiều nội dung, bảo đảm cho sản phẩm khoa học được nghiên cứu có chất lượng. Qua các cuộc hội thảo đã thu thập được nhiều ý kiến tham gia của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, quân đoàn, học viện, nhà trường để kịp thời vận dụng vào nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học. Kết quả đạt được từ hội thảo đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình khoa học.

Song song với các hội nghị khoa học, Học viện Lục quân luôn đẩy mạnh tổng kết lịch sử nhằm giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên trong Học viện và các đơn vị trong toàn quân. Trong những năm gần đây, Học viện đã biên soạn, xuất bản hàng chục tập sách về các trận đánh điển hình cấp trung, sư đoàn, binh chủng, ngành; nhiều bộ sách lịch sử và tổng kết các hình thức chiến thuật, chiến dịch; đồng thời, tiếp tục biên soạn các tập sách trận đánh điển hình và kinh nghiệm chiến đấu.

Nhìn chung hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện đã cập nhật kịp thời sự phát triển của khoa học – công nghệ nói chung, khoa học – công nghệ quân sự nói riêng; từng bước khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới nâng cao chất lượng trong quản lý, giáo dục – đào tạo; đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thông qua việc đưa nội dung giáo dục về môi trường vào chương trình đào tạo của các đối tượng học viên; tập trung xây dựng cảnh quan môi trường Học viện sáng, xanh, sạch, đẹp.

2. Hoạt động thông tin khoa học quân sự

Thực hiện Quyết định số 553/1998/QĐ-TM của Tổng Tham mưu trưởng về chấn chỉnh, ban hành quy chế hệ thống thông tin khoa học. Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 22 tháng 9 năm 1998, Phòng Thông tin Khoa học Công nghệ và Môi trường được thành lập theo Quyết định số 778/QĐ-HV của Giám đốc Học viện, trên cơ sở Ban Tư liệu thuộc Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường. Đến ngày 10 tháng 6 năm 2009, được đổi tên thành Phòng Thông tin Khoa học quân sự theo Quyết định số 819/QĐ-TM của Tổng Tham mưu trưởng, với chức năng là cơ quan tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thông tin khoa học quân sự phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác của Học viện; tham gia phổ biến các thành tựu, tri thức khoa học quân sự trong, ngoài nước góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ, giảng viên và học viên trong Học viện. Quá trình phát triển công tác thông tin khoa học quân sự luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Học viện trong từng giai đoạn lịch sử.

Xem thêm:

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoạt động thông tin khoa học quân sự luôn phát triển theo hướng toàn diện; kịp thời nắm bắt nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong Học viện để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, hiệu quả. Trên cơ sở những thông tin thu thập được, công tác phổ biến thông tin có nhiều đổi mới, kết hợp nhiều hình thức phổ biến thông tin, như: cung cấp tài liệu, tư liệu ấn phẩm thông tin, chiếu phim khoa học quân sự, giới thiệu chuyên đề khoa học quân sự, kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm xây dựng đơn vị, xây dựng khu vực phòng thủ và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu thông tin khoa học cho các đối tượng dùng tin. Lựa chọn, biên tập và xuất bản thông tin chuyên đề, thông tin phục vụ lãnh đạo có giá trị nghiên cứu tham khảo cao, xây dựng phim huấn luyện, nhân bản đĩa hình, tiếng cung cấp cho lãnh đạo, chỉ huy Học viện, cán bộ, giảng viên, học viên nghiên cứu tham khảo.

Đến nay, công tác biên tập thông tin chuyên đề, bản tin phục vụ lãnh đạo, chỉ huy đã cấp đến 100% đầu mối trong toàn Học viện có chất lượng, hàm lượng khoa học cao; xây dựng hàng trăm bộ phim tư liệu huấn luyện có giá trị, phim phóng sự liên hoan truyền hình toàn quân, phim truyền thống và video clip bài giảng có chất lượng đưa lên mạng nội bộ phục vụ kịp thời cho công tác giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện. Đặc biệt, nét nổi bật của công tác thông tin trong những năm gần đây đã chủ động tham mưu với Ban Giám đốc Học viện mời các đồng chí có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại, nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng, huấn luyện đơn vị trong toàn quân, cán bộ cấp cao trong và ngoài quân đội về giới thiệu chuyên đề góp phần thực hiện phương châm giáo dục – đào tạo kết hợp với việc truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, nhà trường gắn liền với đơn vị và trở thành một kênh thông tin vô cùng bổ ích, thiết thực, có tính khoa học, thực tiễn cao và ngày càng phát triển đi vào chiều sâu.

Cùng với giảng đường, phòng học, thư viện là nơi gần gũi, gắn bó, là địa chỉ quen thuộc không thể thiếu của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên. Bên cạnh đó, tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình xử lý thông tin được đẩy mạnh, 100% giáo trình, tài liệu được số hoá, tạo được kho dữ liệu số với dung lượng lớn; phát huy mạnh mẽ, hiệu quả “thư viện số dùng chung”, mạng MISTEN. Đồng thời, được sự quan tâm của Trung tâm Thông tin khoa học quân sự/Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận và triển khai Dự án “Thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng”, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mặt hoạt động khác của Học viện. Đến nay, ngoài nguồn thông tin của cấp trên, đã tổ chức thu thập, xử lý hàng trăm ngàn trang tư liệu, khoảng 1.977 đầu sách, trên 1.750 cuốn luận văn, luận án, 1.585 đề tài khoa học, 215 loại giáo trình.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch, tạp chí đã phát huy tốt vai trò của một tạp chí chuyên ngành, không ngừng nâng cao vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào quá trình giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa của Học viện Lục quân và quá trình huấn luyện, xây dựng đơn vị trong toàn quân. Để đáp ứng yêu cầu đó, tháng 9 năm 1999, Tập san “Thông tin nghiên cứu huấn luyện” được đổi tên thành Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch và xuất bản 03 tháng/1 kỳ, dung lượng 80 trang, số lượng 450 cuốn; đến năm 2011, Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép tăng lên 115 trang với số lượng 500 cuốn; năm 2015 Tạp chí xuất bản 02 tháng/kỳ, dung lượng 130 trang, số lượng 6.000 cuốn. Đối tượng phục vụ là cán bộ chỉ huy, lãnh đạo, quản lý giáo dục – đào tạo, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học các học viện, nhà trường, cơ quan Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đoàn, quân khu, quân binh, chủng, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, sư đoàn. Phát hành trong lực lượng vũ trang.

Đến nay Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch đã xuất bản được 159 số với hàng trăm ngàn cuốn và được phát hành đến các đầu mối đơn vị trong toàn quân theo Thông tư 138/2021. Nội dung và số lượng chuyên mục phong phú, các số được phát hành của tạp chí đã mang đến kịp thời cho bạn đọc khối lượng kiến thức rất lớn, đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: Những ý kiến trao đổi khoa học về lý luận và thực tiễn chiến thuật, chiến dịch, nghệ thuật quân sự Việt Nam; về quốc phòng, an ninh; giáo dục – đào tạo; về khoa học xã hội nhân văn quân sự; tổ chức, biên chế quân đội nước ngoài; những kinh nghiệm trong huấn luyện, quản lý, xây dựng đơn vị… Đây là vấn đề mà cán bộ nghiên cứu, giảng viên, học viên trong các học viện, nhà trường, đơn vị toàn quân quan tâm, cơ sở quan trọng để tìm ra những phát triển mới của cách đánh chiến thuật, nghệ thuật tác chiến chiến dịch và những lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, tạp chí còn cung cấp thông tin nhận diện âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên tránh biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Những kết quả mà Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch đã đạt được trong thời gian qua, thể hiện rõ uy tín, vị trí vai trò của nó, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin về khoa học quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự cho các đối tượng trong toàn quân và được đánh giá là một trong những tạp chí có chất lượng tốt trong hệ thống các tạp chí của Quân đội. Các bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch khi đưa vào xét duyệt các chức danh phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, giảng viên giỏi các cấp đều được các hội đồng thẩm định đánh giá cao. Cùng với đó, hoạt động của Chi hội Nhà báo Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã hoạt động ngày càng hiệu quả thiết thực, nhiều đồng chí tham gia dự thi và đạt giải báo chí chất lượng cao, góp phần khẳng định vị thế của Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật – Chiến dịch và đóng góp xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng vững mạnh.

Trong thời gian tới, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đối với hai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học quân sự cần tập trung quán triệt sâu sắc nghị quyết đại hội đảng các cấp, thực hiện nghiêm chỉ thị của cấp trên về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quân sự, thông tin khoa học quân sự; tiếp tục chăm lo xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học quân sự vững mạnh về mọi mặt; gắn chặt hai nhiệm vụ trên với nhiệm vụ giáo dục – đào tạo; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, hoạt động thông tin khoa học quân sự trong toàn Học viện; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học quân sự cả trong và ngoài quân đội.

Xem thêm: Review Khóa Học Nlp Mr Vas, Công Ty Tnhh Giáo Dục Leading Performance

Với truyền thống 75 năm, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cơ quan chức năng của Bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học trong toàn Học viện mà trực tiếp là Phòng Khoa học quân sự, Phòng Thông tin khoa học quân sự chắc chắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học quân sự của Học viện Lục quân sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, với niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *