*
Hôm nay 90
*
Hôm qua 287
*
Tuần này 885
*
Tháng này 3751
*
Tất cả 1445343

Liên kết tới khoa phòng ban Thư điện tử ĐH Bách khoa Khoa Công Nghệ Vật Liệu Khoa Kỹ thuật xây dựng Khoa Cơ Khí Khoa Địa Chất Dầu Khí Khoa Điện – Điện tử Khoa Công Nghệ Thông Tin Khoa Công Nghệ Hoá Học Khoa Quản Lý Công Nghiệp Khoa Môi Trường Khoa Giao Thông Khoa Khoa Học Ứng Dụng Phòng CTCT – Sinh Viên Phòng Đào Tạo SĐH Cổng thông tin đào tạo ĐHBK

*

*
*
*

Nhà khoa học – nhà thơ Vũ Đình Huy

Sống: Xanh biếc lá nhựa đầy

Cầu Rào – được coi là công trình thế kỷ của thành phố cảng Hải Phòng, vậy mà chỉ sau 7 năm 4 tháng khánh thành nó đã bị gãy làm đôi. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao với khối lượng cốt thép cường độ cao mà bị ăn mòn nhanh chóng như vậy? Nhiều nhà khoa học phải đau đầu tìm hiểu, nhưng chỉ có một nhà khoa học Việt Nam làm báo cáo khoa học phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố gãy cầu và đề ra được biện pháp khắc phục. Đó là Viện sĩ – Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy, nhà khoa học hàng đầu và cho đến nay vẫn là duy nhất của Việt Nam trong ngành khoa học: Ăn mòn và bảo vệ kim loại

Nhà khoa học xuất sắc

Vũ Đình Huy sinh năm 1943 trong một gia đình trí thức nghèo, một dòng họ khoa bảng có 142 vị tiến sĩ ở các triều đại phong kiến, tại thị trấn Đáp Cầu nhỏ bé và xinh đẹp của miền đất quan họ Bắc Ninh. Anh đã trải qua thời niên thiếu nghèo khó: quần nâu chân đất đến trường. Nhờ tính siêng năng ham học, năm 1962 anh thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (khoa Hóa). Sau khi nhận bằng tốt nghiệp loại ưu, anh về dạy ở trường Trung học Giao thông Thủy bộ. Năm 1967 anh trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1971 Vũ Đình Huy đã bảo vệ xuất sắc luận án tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ngành Hóa-Lý)

*

Ngay từ những năm 1970, Vũ Đình Huy vừa công tác, vừa lao vào nghiên cứu khoa học, đồng thời nỗ lực học thêm nhiều ngoại ngữ như: Nga, Đức, Anh và Pháp. Năm 1980, anh được cử sang Liên bang Nga làm thực tập sinh tại Viện Hóa Lý – Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Anh đã bảo vệ xuất sắc luận án phó Tiến sĩ Hóa học tại Liên bang Nga.

Đang xem: Gs.Ts Khoa Học Vũ Đình Huy 1943

Sau đó anh về nước công tác và tiếp tục nghiên cứu khoa học. Vũ Đình Huy cũng được mời tham gia hội nghị khoa học nhà nước và tham gia đoàn kiểm tra chất lượng cốt thép nhúng kẽm của công trình thế kỷ – đường dây 500KV. Anh đã viết 2 báo cáo khoa học, được Bộ Năng lượng đưa vào sản xuất, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho nhà nước. Với những thành tựu khoa học đã đạt được, anh lại được Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga mời sang làm cộng tác viên khoa học.

Cho đến năm 1992, Vũ Đình Huy đã công bố hơn 40 công trình khoa học, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Hóa học với số phiếu tuyệt đối 18/18. Chủ tịch Hội đồng chấm luận án, Tiến sĩ khoa học Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga I.M.Polucarốp đã nhận xét: “Vũ Đình Huy là một chuyên gia uyên bác, một nhà bác học nổi tiếng, có uy tín trong tập thể và trong giới khoa học. Hy vọng Vũ Đình Huy sẽ tạo ra một trường phái hiện đại đào tạo các nhà nghiên cứu ăn mòn kim loại ở Tổ quốc anh”. Năm 2000, anh được mời sang Singapore tham dự cuộc hội thảo khoa học có tầm cỡ châu Á. Bản tham luận của anh “Về vấn đề bảo vệ kim loại ở các nước Đông Nam Á” được đánh giá rất cao về giá trị khoa học.

Đáng chú ý, vào thời điểm năm 1994, anh công bố công trình khoa học đồ sộ có giá trị quốc tế, đó là cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Ăn mòn các kim loại trong khí quyển ở những miền nhiệt đới”. Sách dày 240 trang, trích dẫn 624 tài liệu tham khảo bằng 5 thứ tiếng: Việt, Nga, Anh, Đức, Pháp, do Nhà xuất bản Khoa học Liên bang Nga ấn hành tại Mátxcơva. Trong lời tựa cuốn sách, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nga A.A.Gheraximenco khẳng định: “Vũ Đình Huy là tác giả của quyển sách chuyên khảo đầu tiên trên thế giới viết về quá trình ăn mòn các kim loại trong khí quyển ở những miền nhiệt đới. Trước anh, trong tài liệu khoa học của thế giới chưa có quyển sách chuyên khảo nào viết về vấn đề này”. Giáo sư R.Sum Mitt (Mỹ) viết: “Cuốn sách của anh là một công trình tuyệt vời những thành tựu hiện đại trong lĩnh vực khoa học phức tạp”.

Sau khi cuốn sách phát hành tại châu Âu, châu Mỹ, nhiều nhà khoa học tên tuổi ở Nga, Mỹ, Úc, Canada, Thụy Điển… đánh giá cao công trình nghiên cứu của anh, mời anh về làm việc và giảng dạy với mức lương cao, cùng nhiều ưu đãi đặc biệt. Vậy mà anh đã từ chối tất cả, cương quyết trở về Tổ quốc. Anh tâm sự: “Làm việc ở nước ngoài được ưu đãi, lương cao, điều kiện ăn ở, nghiên cứu thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng tôi vẫn có cảm giác, tâm trạng một kẻ đi làm mướn xứ người”.

Anh trở về Việt Nam với quan niệm: “Con hiếu thảo không chê cha mẹ nghèo”, chấp nhận cuộc sống khó khăn để phục vụ đất nước. Thật xúc động đọc lá thư anh viết cho vợ lúc chị cũng đang ở Nga. “Chúng ta đã xa xứ, đã biết thế nào là sự sống còn của bản sắc, cội nguồn. Muốn được người khác tôn trọng, trước hết mình phải là mình cái đã”. Đó là tấm lòng của anh với quê hương đất nước-ân tình sâu nặng biết bao. Anh mong muốn được cống hiến cho khoa học, cho Tổ quốc, vì lẽ đó anh đã khước từ mọi vinh hoa, phú quý ở trời Tây về với đất mẹ thân yêu.

Với những cống hiến lớn lao cho nền khoa học Việt Nam và thế giới, Vũ Đình Huy được giải thưởng khoa học của Viện Khoa học Việt Nam (1986), Bằng chứng nhận quyền tác giả công trình khoa học (1987); Viện Hàn lâm khoa học Nga phong học hàm “Nhà khoa học hàng đầu”; năm 1995, được Viện Hàn lâm khoa học New York (Mỹ) bầu làm viện sĩ; năm 2001, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam công nhận chức danh: Phó Giáo sư và đến năm 2007 công nhận chức danh Giáo sư Hóa học.

Là một giáo sư – tiến sĩ khoa học, nhưng anh không từ chối làm một chuyên gia hạng xoàng tại Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro và căn nhà tập thể không có phòng làm việc riêng tại Vũng Tàu. Điều ấy hợp với bản tính giản dị và khiêm nhường của anh, để lòng anh thanh bạch hơn, dồn hết tâm lực cho khoa học. Hiện anh đang tham gia giảng dạy và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành tại các trường: Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Công nghiệp TPHCM… Anh là Phó Chủ tịch Hội Điện hóa thuộc Hội Hóa học Việt Nam và hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chan chứa những vần thơ

Viện sĩ – Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy còn là một nhà thơ. Thơ anh xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí, các tuyển tập từ những năm 60. Nhưng với một nhà khoa học có hơn 90 công trình khoa học được công bố, anh đâu có khoảng trống dành riêng cho thơ. Mãi đến năm 2001 Vũ Đình Huy mới xuất bản tập thơ: “Đêm trăng sao” (Nhà xuất bản Văn học).

Xem thêm: Cách Chinh Phục Toán Và Khoa Học — Reader Q&A, Sách Cách Chinh Phục Toán Và Khoa Học

Tập thơ được đông đảo bạn đọc đón nhận, vì không phải anh là một nhà khoa học uyên bác, mà ở đó là một Vũ Đình Huy với bầu trời đầy ánh trăng sao: “Biển cồn cào nỗi nhớ/Dồn dập hôn cát mềm/Anh nghe từng nhịp thở/Khao khát bờ môi em”. Với Vũ Đình Huy, thơ và khoa học luôn là sự khát khao cháy bỏng, làm niềm đam mê dâng hiến: “Em ơi văn nghệ và khoa học/Đưa đến tình yêu của chúng mình/Một cánh chim bay trời Tổ quốc/Sông dài biển rộng sáng lung linh”.

Vâng, sông dài-biển rộng và bầu trời Tổ quốc lung linh đang mở ra cho mỗi cuộc đời, cho Tổ quốc ta vươn tới những tầm cao mới. Ấy vậy mà nhà khoa học – nhà thơ Vũ Đình Huy lại phải đối mặt với sự nghiệt ngã của số phận. Nhìn anh đang đứng trên bục giảng tại giảng đường trường Đại học Bách khoa (ĐHQG – TPHCM) ai biết được rằng cách đây gần 3 năm (2005) anh đã trải qua cuộc đại phẫu thuật thập tử nhất sinh, cắt bỏ hai phần ba dạ dày, cắt bỏ hoàn toàn túi mật do căn bệnh ung thư quái ác.

Đó cũng là những năm tháng anh đang nghiên cứu một số công trình khoa học tầm cỡ quốc gia cho ngành dầu khí Việt Nam, và cũng là lúc anh đang thai nghén tập thơ thứ hai Xanh bước thời gian. Lúc đó, bạn bè, người thân và những nhà khoa học quen biết anh đều không khỏi lo lắng, xót xa… Nhìn anh nằm trên giường bệnh mới chỉ hơn một tháng thôi mà mái tóc chưa màu muối tiêu đã bạc trắng. Anh viết: “Soi gương giật bắn ông già/Nhìn ta chòng chọc, nhìn ta lạ lùng/ Ta già? Không, vẫn trẻ trung/Việc nhiều ta cứ ung dung ta làm”. Ung dung, tự tại là bản tính của Vũ Đình Huy.

Nhìn anh làm việc ngay trên giường bệnh và suốt thời gian dài hóa trị, tôi có cảm nhận anh đang vượt lên trước thời gian bằng tốc độ siêu tốc. Đó chính là trái tim và khối óc tuyệt vời của nhà khoa học. Một số công trình khoa học của anh tưởng chừng sẽ mãi mãi dang dở, nhưng nó vẫn được công bố vào cuối 2005, đầu 2006. Trong đó công trình khoa học “Điều chế chất ức chế ăn mòn để bảo vệ cột ống chống và cột ống khai thác các giếng khoan dầu khí khỏi sự ăn mòn điện hóa học” đạt kết quả xuất sắc.

Nhưng Vũ Đình Huy đâu chịu ngưng nghỉ, bệnh tật không khuất phục được anh. Nói cách khác anh không đầu hàng số phận. Song ai đoán biết số phận sẽ đi về đâu. Cuộc sống một con người đâu có vĩnh cửu. Triết lý nhà Phật có câu: “Muôn vật có-không/ Đến đi sinh diệt não lòng/ Ghét – thương quay quắt biển dâu luân hồi”. Vâng trong cuộc nhân sinh, có-không đến đi là lẽ thường tình, chỉ có những công trình khoa học, những phát minh sáng chế để lại cho loài người sẽ mãi mãi là vĩnh cửu.

Đó là ý chí của một Vũ Đình Huy từ tuổi thanh niên cho đến khi trở thành nhà khoa học uyên bác, dù đã trải qua gần ba năm trọng bệnh, sức khỏe đã giảm nhiều, ngày nào cũng phải uống thuốc điều trị, nhưng tinh thần anh thì vẫn sảng khoái: “Nhìn ra thế giới trong hạt bụi/Thiên đường hiển lộ giữa cánh hoa”. Những cánh hoa của trí tuệ, của khoa học, của thơ ca vẫn không ngừng tươi nở. Bảy đề tài khoa học của anh được đăng tải trong năm 2007 trên các báo, tạp chí khoa học trong và ngoài nước như: “Ức chế ăn mòn đường ống…” hay “Tác động chất diệt khuẩn lên chủng vi khuẩn sulphat phân lập được tại mỏ Bạch Hổ”…

Song song các nghiên cứu khoa học, anh đã và đang trực tiếp hướng dẫn bảo vệ luận án 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ khoa học chuyên ngành. Các học trò của anh đã bảo vệ xuất sắc luận án, đem lại niềm vui, sự động viên cho anh – một người thầy, một nhà khoa học ân tình. Và mấy ai biết rằng ở tuổi 65 – bạo bệnh, vợ chồng anh vẫn phải sống xa nhau, chị vẫn phải làm việc và ở lại Vũng Tàu để có đồng lương lo cho gia đình.

Còn anh ở thành phố Hồ Chí Minh làm việc, chữa bệnh và lo cho con trai út đang học trung học cơ sở – âu cũng là cuộc mưu sinh cơm áo. Nhưng với anh: Bầu trời vẫn xanh, hoa vẫn tươi nở – Tập thơ “Xanh bước thời gian” với 115 bài thơ vẫn được trình làng đầu năm 2008 (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tôi hỏi: “Anh có dự định ra tập thơ thứ ba nữa không?”. Giọng anh chùng xuống chầm chậm: “Chưa biết anh ạ. Sợ nói trước bước không qua”. Hy vọng “Xanh bước thời gian” chưa phải là tập thơ cuối cùng của anh. “Sau cơn mưa mây trời xanh trở lại/Sao Hôm lên trong trẻo sáng ngời”.

Xem thêm: Giới Thiệu Về Khoa Y Tế Công Cộng Đại Học Y Dược Tp Hcm, Khoa Y Tế Công Cộng

Trong trẻo, sáng ngời, đó là nhân cách của nhà khoa học-nhà thơ Vũ Đình Huy. Cái nhân cách: giàu sang không quyến rũ, nghèo khó chẳng nản lòng, bệnh tật chẳng phiền não. Trọn cuộc đời anh cống hiến cho khoa học. Viện sĩ – Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy sẽ còn dâng cho đời những hoa thơm, trái ngọt, như bài thơ anh viết trên giường bệnh sau 6 ngày phẫu thuật: Sống: xanh biếc lá nhựa đầy/ Chết: vàng sắc lá rời cây nhẹ nhàng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *