Trần Thanh ĐạmGiáo dục01 Tháng 12 2017Lượt xem: 4731

Tôi về Đại học Văn Khoa Sài Gòn những ngày mới giải phóng

*

Về với các trường đại học Sài Gòn ngày ấy, chúng tôi đã có “cẩm nang” rất quý là Chỉ thị 221 và 222 của Ban Bí thư Trung Ương Đảng về công tác tiếp quản các cơ quan giáo dục và các trường đại học miền Nam, cùng với hai bản Tuyên bố chính sách tám điểm và mười hai điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Trước lúc lên đường, chúng tôi được đồng chí Lê Duẩn đến thăm, đồng chí Tố Hữu dặn dò và giao nhiệm vụ. Khi vào Sài Gòn, các đồng chí ở Thành Ủy, trực tiếp là đồng chí Trần Trọng Tân thường xuyên gặp gỡ chỉ đạo công việc của chúng tôi.

Đang xem: Tôi Về Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

Theo chỉ thị của trên, tôi và anh Dật, anh Văn, anh Sử, chị Lâm có nhiệm vụ tiếp nhận các cơ sở vật chất của trường (trên thực tế vẫn được bảo tồn nguyên vẹn) và làm cho các vị giáo sư, các bạn nhân viên và các em sinh viên được an tâm, phấn khởi, không phải băn khoăn, lo lắng gì nhiều trước sự đổi đổi thay của tình hình và nếu được thì vẫn tiếp tục giảng dạy, học tập, sinh hoạt bình thường (trên thực tế điều này đã không làm được). Ngoài ra, mọi người nếu ai có khó khăn gì về đời sống, về an ninh thì phải quan tâm tích cực giải quyết.

Trong buổi tiếp xúc đầu tiên giữa chúng tôi với các vị giáo sư, việc đầu tiên là các vị đã đưa ra một bản tuyên bố do các vị dự thảo và toàn thể ký tên. Tuyên bố tán thành mọi chủ trương, chính sách của Mặt trận và của Chính phủ cách mạng lâm thời, mọi mệnh lệnh của Ủy ban Quân quản thành phố. Chúng tôi trân trọng đón nhận tuyên bố đó và hứa sẽ chuyển lên cấp trên. Sau thủ tục đó, cuộc trao đổi ý kiến bắt đầu, xung quanh một câu hỏi do chúng tôi nêu ra là: Làm thế nào để công việc học tập và giảng dạy được tiếp tục bình thường? Thực ra, câu hỏi này nằm trong “cẩm nang” mà chúng tôi mang theo. Mục đích của nó là làm ổn định tình hình, ổn định nhân tâm. Quả thật, câu hỏi nêu ra đã làm các vị giáo sư đó từ ngạc nhiên đến vui mừng. Sau đó, các vị lần lượt đưa ra nhiều ý kiến và đề nghị. Các vị thông báo cho chúng tôi biết tình hình các mặt của trường, những khó khăn, trở ngại cần chú ý. Các vị cũng hỏi chúng tôi về chủ trương, chính sách của cách mạng. Anh Dật giải thích về chính sách tám điểm và mười hai điểm của Mặt trận và Chính phủ, chính sách đối với các trường đại học vùng mới giải phóng theo tinh thần của chỉ thị 222. Tôi làm công việc trả lời các câu hỏi và giải đáp các thắc mắc. Tôi cũng không còn nhớ có những thắc mắc gì và tôi đã giải đáp thế nào. Tôi chỉ nhớ đối với mọi thắc mắc, tôi chỉ một mực động viên mọi người an tâm và tin tưởng: chính sách của Cách mạng đối với các giới đồng bào vùng mới giải phóng, nhất là giới trí thức, có thể tóm tắt trong mấy chữ: vì nước, vì dân, hợp tình, hợp lý. Tình hình sắp tới có thể còn nhiều phức tạp, khó khăn, song mọi sự sẽ được giải quyết tốt bằng tinh thần đoàn kết, xây dựng của toàn dân. Hình như cuộc gặp gỡ đã giải tỏa được nhiều băn khoăn, lo lắng của mọi người. Theo chủ trương của trên, chúng tôi cũng thông báo từ tháng 5/1975, các vị giáo sư và nhân viên vẫn tiếp tục nhận lương như cũ, và nếu ở nơi cư trú các vị có gặp khó khăn trở ngại gì, xin cho chúng tôi biết để nếu được, chúng tôi sẽ hết sức giúp đỡ.

Sau cuộc gặp đầu tiên, chúng tôi làm quen với nhau. Nhiều vị chúng tôi biết tiếng từ trước qua sách báo. Chúng tôi hẹn nhau những cuộc gặp gỡ nhỏ hơn để trao đổi thêm về tình hình và công việc. Ban Việt – Hán do giáo sư Nghiêm Toản, Ban Triết Đông do giáo sư Giản Chi, Ban Triết Tây do giáo sư Nguyễn Văn Trung, Ban Xã hội học do tiến sĩ Bửu Lịch, Ban Địa lý do tiến sĩ Lâm Thanh Liêm, Ban Ngữ học do giáo sư Lê Ngọc Trụ, Ban Sử học do giáo sư Châu Long, Ban Anh văn do giáo sư Lê Văn Diệm, Ban Pháp văn do giáo sư Bùi Xuân Bào, Ban Việt văn do giáo sư Thanh Lãng, Ban Tâm lý học do tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao… phụ trách. Trong các cuộc trao đổi đó, tôi thấy các vị rất thẳng thắn, chân thành. Trong thời gian đầu còn bỡ ngỡ, các anh chị Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Châu Long, Bình Minh, Nguyễn Trọng Văn, Lê Tử Thành, Lê Văn Chưởng, v.v.. đã rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi nhằm sớm ổn định tình hình nhà trường và liên hệ anh chị em trí thức ngoài nhà trường. Ở đây, các anh chị ở Ban Trí vận và Hội Trí thức yêu nước hồi ấy, đứng đầu là anh Nguyễn Duy Cương (Ba Trực), chị Cao Thị Quế Hương, chị Tư Liên, v.v.. cùng với các anh chị ở Thành đoàn cũng rất ân cần giúp đỡ chúng tôi và trường Đại học Văn khoa vốn là cở sở của các anh chị trong phong trào đấu tranh nội thành trước đó.

Xem thêm: Hoạt Động Khám Phá Khoa Học: Trò Chơi Khám Phá Khoa Học Cho Trẻ Mầm Non

Một mảng công việc rất sinh động và cảm động là tiếp xúc với giới sinh viên. Đại học Văn khoa là nơi có phong trào sinh viên nội thành rất sôi nổi và dũng cảm. Khi chúng tôi đến, trong sinh viên đã có cơ sở rất mạnh của Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Giải phóng với nòng cốt là các anh chị: Hạ Đình Nguyên, Lê Thanh Liêm, Nguyễn Thị Tiến, Bùi Huyền Trân, Trần Thị Ngọc Ánh, Huỳnh Như Phương … Chính các bạn đó đã tổ chức mọi hoạt động của sinh viên chào mừng thành phố giải phóng, ngày đêm canh gác nhà trường, tổ chức các cuộc hội thảo chính trị, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh. Không khí nhà trường luôn luôn sôi nổi, rộn rịp như ngày hội. Tất cả các giảng đường, sân chơi, hành lang không ngừng vang lên tiếng đàn, tiếng hát các điệu nhạc bài ca Cách mạng. Phổ biến nhất là “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”. Sống với sinh viên đại học Văn khoa những ngày ấy là những kỷ niệm tươi đẹp nhất trong cuộc đời nhà giáo của tôi. Tôi có nhiều câu chuyện thú vị với tuổi trẻ Sài Gòn ngày mới giải phóng gợi nhớ không khí Cách mạng tháng Tám năm xưa. Phải cả một tập sách mới thuật lại hết được.

Mười hai ngày sau đó là lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, 19/5. Chúng tôi có thời gian để chuẩn bị nhiều hơn. Các trường Đại học và các cơ quan của Bộ Giáo dục đều tập trung về giảng đường Đại học Văn khoa để dự lễ, đội ngũ chỉnh tề, có biểu ngữ, có ảnh Bác. Tổ công tác đại học chúng tôi đã kịp in hai tài liệu để phát hành trong dịp đó. Một là toàn văn Di chúc của Bác, hai là Tập trích các lời nói, bài nói của Bác về giáo dục. Tôi nhớ lại niềm phấn khởi của mọi người khi nhận hai tài liệu đó. Nhiều người lần đầu tiên mới được đọc toàn văn Di chúc Bác Hồ, có người chảy nước mắt. Mấy vị giáo sư trầm trồ bình luận về hai chữ “nhất định” trong Di chúc: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà …” Đó là những lời tiên tri. Trong hoàn cảnh đó, tôi nhận thấy từng lời của Bác trong Di chúc giản dị, đằm thắm như vậy mà tác động vô cùng mạnh mẽ đến lòng người, hơn tất cả mọi lời hùng biện. Về những ý kiến của Bác về giáo dục, cũng có một cuộc thảo luận nhỏ xảy ra. Có người phát hiện rằng: Ý kiến của Bác nói với thanh niên: “Thanh niên phải tự hỏi xem mình đã làm gì cho Tổ quốc trước khi đặt câu hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình?” thì tổng thống Mỹ John Kennedy cũng có câu nói như vậy. Câu nói đó trước đây ở Sài Gòn nhiều người cho là hay, nhưng xét về thời gian, Bác Hồ nói câu ấy trước Kennedy.

Xem thêm: Khóa Học Định Hướng Nghề Nghiệp Và 11 Case Study Điển Hình, 6 Khóa Học Online Giúp Định Hướng Nghề Nghiệp Bạn

Hai mươi năm. Mới đó mà thời gian đã bằng thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1955 – 1975). Ghi lại đôi dòng kỷ niệm trên đây, tôi muốn cùng các đồng chí của tôi cùng công tác như tôi ngày ấy làm chứng một điều trong rất nhiều: Chính sách của Đảng đối với trí thức nói chung tuy còn những thiếu sót và bất cập mà Đảng đã nhiều lần tự phê bình, và những người có lúc lĩnh trách nhiệm thực hiện chính sách trí thức của Đảng như chúng tôi cũng còn những sai sót và khuyết điểm trong công tác, nhưng tấm lòng của Đảng với trí thức miền Nam trong những ngày mới giải phóng thật là nhân hậu, chu đáo, ân cần. Tôi nhớ khi đến thăm chúng tôi trước ngày chúng tôi đi Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn căn dặn: “Không được làm thương tổn đến lòng tự trọng của anh chị em”. Đồng chí Tố Hữu cũng căn dặn: “Không được làm cho anh chị em thấy mình nhỏ bé lại mà phải thấy mình cao cả thêm cùng với dân tộc. Trong chiến thắng chung, có phần của tất cả mọi người yêu nước, dù hoàn cảnh của mọi người không phải ai cũng giống ai. Các đồng chí không được trừ đi mà phải cộng thêm vào trong thành tích của mỗi người”. Đồng chí nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Ai bỏ Cách mạng tùy họ. Cách mạng không bỏ ai.”

Không phải bao giờ cuộc sống và con người cũng được trọn vẹn như lý tưởng, song những điều tốt đẹp như lý tưởng bao giờ cũng là điều căn bản và lâu dài nhất nơi mỗi con người cũng như trong cuộc sống của dân tộc chúng ta hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *