Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp của Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 -2017 (sau đây gọi tắt là Cuộc thi):

1. Mục đích của Cuộc thi là gì?

Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kĩ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc;thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu nghiên cứu khoa học của học sinh trung học.

Đang xem: Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh thpt

2. Các địa phương, đơn vị cần làm gì để tham gia Cuộc thi?

 Các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học thuộc đại học, trường đại học:

– Tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của hoạt độngnghiên cứu khoa học của học sinh trung học và các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT về Cuộc thi;

– Triển khai công tác nghiên cứu khoa học của học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh, chương trình, nội dung dạy học của cơ sở giáo dục;

– Tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh vềcác quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức Cuộc thi, phương pháp nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện để học sinh, giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học;

– Khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên; đưa nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn; giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh.

– Phát triển Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục trung học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học vào thực tiễn; rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập và trong cuộc sống;

– Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; các viện và trung tâm khoa học công nghệ; sở khoa học và công nghệ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh/thành phố; các nhà khoa học; cha mẹ học sinh trong việc hướng dẫn và đánh giá các dự án khoa học của học sinh; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho học sinh nghiên cứu khoa họcvà tham gia Cuộc thi.

– Thành lập Hội đồng thẩm định khoa học và tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh ở địa phương phù hợp với điều kiện thực tế; chọn cử và tích cực chuẩn bị các dự án tham gia Cuộc thi.

– Phân công giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; tính giảm số tiết dạy cho giáo viên hướng dẫn vận dụng theo quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT.

– Huy động sự hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu về: cử các nhà khoa học, giảng viên tham gia tập huấn, tư vấn, hướng dẫn giáo viên, học sinh và tham gia đánh giá các dự án dự Cuộc thi ở địa phương; tạo điều kiện cho học sinh sử dụng các phòng thí nghiệm, thư viện và tiếp cận các nguồn tài liệu khoa học trong quá trình nghiên cứu;có các chính sách trao phần thưởng, tuyển thẳng học sinh.

3. Cuộc thi năm học 2016-2017 tổ chức ở đâu? Lúc nào?

4.Có bao nhiêu lĩnh vực dự thi? Gồm những lĩnh vực nào?

Các dự án có thể đăng ký dự thi ở 22 lĩnh vựcsau đây:

(1)Khoa học động vật, gồm các lĩnh vực chuyên sâu: Hành vi; Tế bào; Mối liên hệ và tương tác với môi trường tự nhiên; Gen và di truyền; Dinh dưỡng và tăng trưởng; Sinh lí; Hệ thống và tiến hóa;…

(2) Khoa học xã hội và hành vi, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Điều dưỡng và phát triển; Tâm lí; Tâm lí nhận thức; Tâm lí xã hội và xã hội học;…

(3) Hóa Sinh, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Hóa-Sinh phân tích; Hóa-Sinh tổng hợp; Hóa-Sinh-Y; Hóa-Sinh cấu trúc;…

(4) Y Sinh và khoa học Sức khỏe, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Chẩn đoán; Điều trị; Phát triển và thử nghiệm dược liệu; Dịch tễ học; Dinh dưỡng; Sinh lí học và Bệnh lí học;…

(5) Kĩ thuật Y Sinh, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Vật liệu Y Sinh; Cơ chế Sinh học; Thiết bị Y sinh; Kỹ thuật tế bào và mô; Sinh học tổng hợp;…

(6) Sinh học tế bào và phân tử, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Sinh lí tế bào; Gen; Miễn dịch; Sinh học phân tử; Sinh học thần kinh;…

(7) Hóa học, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Hóa phân tích; Hóa học trên máy tính; Hóa môi trường; Hóa vô cơ; Hóa vật liệu; Hóa hữu cơ; Hóa Lý;…

(8) Sinh học trên máy tính và Sinh –Tin, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Kĩ thuật Y sinh; Dược lí trên máy tính; Sinh học mô hình trên máy tính; Tiến hóa sinh học trên máy tính; Khoa học thần kinh trên máy tính; Gen;…

(9) Khoa học Trái đất và Môi trường, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Khí quyển; Khí hậu; Ảnh hưởng của môi trường lên hệ sinh thái; Địa chất; Nước;…

(10) Hệ thống nhúng, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Kỹ thuật mạch; Vi điều khiển; Giao tiếp mạng và dữ liệu; Quang học; Cảm biến; Gia công tín hiệu;…

(11) Năng lượng: Hóa học, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Nhiên liệu thay thế; Năng lượng hóa thạch; Phát triển tế bào nhiên liệu và pin; Vật liệu năng lượng mặt trời;…

(12) Năng lượng: Vật lí, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Năng lượng thủy điện; Năng lượng hạt nhân; Năng lượng mặt trời; Năng lượng nhiệt; Năng lượng gió;…

(13) Kĩ thuật cơ khí, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Kĩ thuật hàng không và vũ trụ; Kĩ thuật dân dụng; Cơ khí trên máy tính; Lí thuyết điều khiển; Hệ thống vận tải mặt đất; Kĩ thuật gia công công nghiệp; Kĩ thuật cơ khí; Hệ thống hàng hải;…

(14) Kĩ thuật môi trường, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Xử lí môi trường bằng phương pháp sinh học; Khai thác đất; Kiểm soát ô nhiễm; Quản lí chất thải và tái sử dụng; Quản lí nguồn nước;…

(15) Khoa học vật liệu, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Vật liệu sinh học; Gốm và Thủy tinh; Vật liệu composite; Lí thuyết và tính toán; Vật liệu điện tử, quang và từ; Vật liệu nano; Pô-li-me;…

(16) Toán học, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Đại số; Phân tích; Rời rạc; Lý thuyết Game và Graph; Hình học và Tô pô; Lý thuyết số; Xác suất và thống kê;…

(17) Vi Sinh, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Vi trùng và kháng sinh; Vi sinh ứng dụng; Vi khuẩn; Vi sinh môi trường; Kháng sinh tổng hợp; Vi-rút;…

(18) Vật lí và Thiên văn, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Thiên văn học và Vũ trụ học; Vật lí nguyên tử, phân tử và quang học; Lý – Sinh; Vật lí trên máy tính; Vật lí thiên văn; Vật liệu đo; Từ, Điện từ và Plasma; Cơ học; Vật lí hạt cơ bản và hạt nhân; Quang học; La-de; Thu phát sóng điện từ; Lượng tử máy tính; Vật lí lí thuyết;…

(19) Khoa học Thực vật, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Nông nghiệp; Mối liên hệ và tương tác với môi trường tự nhiên; Gen và sinh sản; Tăng trưởng và phát triển; Bệnh lí thực vật; Sinh lí thực vật; Hệ thống và tiến hóa;…

(20) Rô bốt và máy thông minh, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Máy sinh học; Lí thuyết điều khiển; Rô bốt động lực;…

(21) Phần mềm hệ thống, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Thuật toán; An ninh máy tính; Cơ sở dữ liệu; Hệ điều hành; Ngôn ngữ lập trình;…

(22)Y học chuyển dịch, gồm các lĩnh vực chuyên sâu:Khám bệnh và chẩn đoán; Phòng bệnh; Điều trị; Kiểm định thuốc; Nghiên cứu tiền lâm sàng;…

5.  Độ tuổi nào được tham dự Cuộc thi?

Học sinh đang học lớp 8, 9 THCS và đang học THPT có thể tham gia Cuộc thi.

6. Thí sinh cần chuẩn bị nội dung như thế nào?

Nội dung thi là kết quả nghiên cứu của các dự án khoa học hoặcdự án kĩ thuật thuộc các lĩnh vực của Cuộc thi.

Dự án có thể của 01 học sinh hoặc của 02 học sinh (phải có sự phân biệt mức độ khác nhau đóng góp vào kết quả nghiên cứu của người thứ nhất (nhóm trưởng) và người thứ hai).

7. Ai có thể hướng dẫnhọc sinh nghiên cứu?

Mỗi dự án dự thi có 01 giáo viên trung học(đang công tác tại cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thi) bảo trợ,do thủ trưởng cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thira quyết định cử. Một giáo viên được bảo trợ tối đa 02 dự án KHKT của học sinh trong cùng thời gian.Người bảo trợ có thể đồng thời là người hướng dẫn khoa học.

Xem thêm: Đại Học Khoa Học Huế Tuyển Sinh 2017 Ngành Văn Học, Khoa Ngữ Văn

Ngoài người bảo trợ, dự án dự thi có thể có thêm nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ (có thể là cha, mẹ, người thân của học sinh) hướng dẫn.

8. Thể nào là một đơn vị dự thi?

Mỗi Sở GDĐT, cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ GDĐT, trường đại học có dự án dự thi là một đơn vị dự thi.

9. Đăng ký dự thi và nộp hồ sơ dự thi như thế nào?

– Mỗi đơn vị dự thi được cử không quá 06 dự án dự thi; đơn vị đã có dự án thi quốc tế được cử không quá 09 dự án dự thi; Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi năm học 2016-2017 được cử không quá 18 dự án dự thi.

– Thí sinh tự do: trường hợp đơn vị không tổ chức đội tuyển, học sinh có thể đăng kí dự thi tự do bằng cách gửi bản đăng kí và hồ sơ dự án dự thi về Bộ GDĐT. Điều kiện đăng kí dự thi tự do: những dự án đoạt giải Nhất tại cuộc thi KHKT tại địa phương năm học 2016-2017(đối với những nơi có tổ chức thi) hoặc được người hướng dẫn khoa học xác nhận và giới thiệu đủ điều kiện dự thi.Bộ GDĐT sẽ tổ chứcthẩm định và quyết định các dự án tự do được tham dự Cuộc thi.

-Các đơn vị dự thi sử dụng tài khoản đã được Bộ GDĐT bàn giao trên trang mạnghttp://truonghocketnoi.edu.vn để quản lí các dự án dự thi của đơn vị mình.

– Giáo viên hướng dẫn và học sinh tham gia dự thi phải có tài khoản trên trang mạnghttp://truonghocketnoi.edu.vn đã được điền đầy đủ thông tin chính xác và có ảnh chân dung được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.

Các mẫu phiếu hồ sơ dự thi có thể tải về tại mục “Công văn/Khoa học kĩ thuật” trên trang mạng http://truonghocketnoi.edu.vn. Các phiếu phải được điền đầy đủ thông tin,ký tên, đóng dấu phù hợp với tiến độ nghiên cứu, nộp lên mạng dưới dạng bản chụp theo định dạng PDF hoặc JPG.

10. Tiêu chí đánh giá dự án dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia?

a) Dự án khoa học

– Câu hỏi nghiên cứu: 10 điểm;

– Kế hoạch nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm;

– Tiến hành nghiên cứu (thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu): 20 điểm;

– Tính sáng tạo: 20 điểm;

– Trình bày: 35 điểm (gian trưng bày: 10 điểm và trả lời phỏng vấn: 25 điểm).

b) Dự án kĩ thuật

– Vấn đề nghiên cứu: 10 điểm;

– Kế hoạch nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm;

– Tiến hành nghiên cứu (xây dựng và thử nghiệm): 20 điểm;

– Tính sáng tạo: 20 điểm;

– Trình bày: 35 điểm (gian trưng bày: 10 điểm và trả lời phỏng vấn: 25 điểm).

Xem thêm: 30+ Phim Khoa Học Viễn Tưởng Hay 2018 Do Forbes Công Bố, Top 20 Phim Khoa Học Viễn Tưởng Hay

Trong quá trình chấm thi, các tiêu chí nói trên được xem xét, đánh giá dựa trên kết quả nghiên cứu và chỉ cho điểm sau khi đã xem xét, đối chiếu với các minh chứng khoa học về quá trình nghiên cứu được thể hiện trong các phiếu và sổ tay nghiên cứu của học sinh./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *