Trong các trường học (cơ sở giáo dục): bên cạnh chức năng dạy học; quản lý, giáo dục người học của các thầy, cô giáo, cán bộ trong hội đồng nhà trường còn có một nhiệm vụ rất quan trọng đó là “đúc rút sáng kiến kinh nghiệm, làm đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) và làm đồ dùng dạy học”. Tùy theo từng tính chất của chuyên môn, nhiều cơ sở giáo dục còn coi đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên nhiệm vụ này đến nay luôn là vấn đề khó, thậm chí là bế tắc đối với nhiều cán bộ, giáo viên (nhất là đối với khối Mầm non và Tiểu học): có người không biết cách làm, có người biết cách làm nhưng không thể hiện cho người khác hiểu được (không biết báo cáo thành văn bản), nhiều người lại coi đây là công việc của các nhà khoa học, hoặc của lãnh đạo đơn vị; chính vì vậy nhiên nhiệm vụ này luôn là một phần trong “bài toán quản lý” mà các nhà quản lý trong các cơ sở giáo dục luôn khó giải hoặc giải được nhưng “đáp số chưa tối giản”.

Đang xem: Cách tiếp cận trong nghiên cứu khoa học

Nhân bàn về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu một số cách tiếp cận, một số hướng đi về hoạt động NCKH nói chung và công việc đúc rút sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học nói riêng trong các nhà trường phổ thông để các bạn tham khảo.

*

Ở các cơ sở giáo dục, nhiều cán bộ giáo viên thường quan niệm rằng: NCKH là cái gì đó cao, xa, mới mẻ, khó có đủ điều kiện để làm. Tuy nhiên nếu hiểu đúng bản chất của vấn đề NCKH, thì đây chính là nhu cầu tất yếu của công việc chuyên môn thường ngày của tất cả mọi đối tượng trong đơn vị. Tham ra nghiên cứu khoa học; phổ biến những vấn đề khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào công việc chuyên môn … cũng chính là thực hiện nghiêm Đường lối, Quan điểm của Đảng cũng như Chính sách, Pháp luật của Nhà nước.

Bản chất “Khoa học”:là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, học thuyết mới về tự nhiên và xã hội. Những kiến thức hay học thuyết mới này, tốt hơn, có thể thay thế dần những cái cũ, không còn phù hợp.

“Nghiên cứu khoa học là một hoạt động xã hội hư­ớng vào tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết; hoặc là phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới; hoặc là sáng tạo phư­ơng pháp mới và phương tiện kĩ thuật mới để cải tạo thế giới”. (Vũ Cao Đàm – “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học” – Nhà xuất bản khoa học và kĩ thuật, Hà Nội 1998 tr. 18).

Như vậyBản chất “Nghiên cứu khoa học”là một họat động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức,… đạt được từ các thí nghiệm NCKH để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn.

Với cách hiểu như­ vậy, ngoài các công trình NCKH lớn như: điều tra, khảo sát để rồi tìm ra một quy luật gì đó hoặc đổi mới, cải tiến một vấn đề gì đó để mang lại hiệu quả thì chúng ta có thể thấy trong các nhà trường, một số hoạt động như­: việc tự làm đồ dùng dạy học để minh hoạ cho hoạt động giảng dạy trên lớp có hiệu quả, việc đúc rút sáng kiến một kinh nghiệm nào đó trong hoạt động giáo dục, dạy học nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động, việc thiết kế một bài giảng áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả giờ giảng bài; hoặc trong cơ sở giáo dục nào đó: việc cải tiến, đổi mới lề lối làm việc mang lại hiệu quả, việc tìm ra biện pháp mới cho công việc nào đó nhằm giảm bớt chi phí hoặc giảm bớt thời gian làm việc, cũng chính là các hoạt động NCKH.

Việc nâng tầm các hoạt động nói trên, đưa cơ sở lý luận theo một quy định nào đó mang tính khoa học vào và thuyết phục được người đọc có thể gọi chung làlàm đề tài nghiên cứu khoa học.

Trước khi bàn về việc làm đề tài nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục (đúc rút sáng kiến kinh nghiệm và làm đồ dùng dạy học trong trường phổ thông), xin được nêu một số khái niệm gần với đề tài:

Đề tàilà một hình thức tổ chức NCKH do một người hoặc một nhóm người thực hiện. Một số hình thức tổ chức nghiên cứu khác không hoàn toàn mang tính chất nghiên cứu khoa học, chẳng hạn như: chương trình, dự án, đề án. Sự khác biệt giữa các hình thức NCKH này như sau:

– Đề tài:được thực hiện để trả lời những câu hỏi mang tính học thuật, có thể chưa để ý đến việc ứng dụng trong hoạt động thực tế.

– Dự án:được thực hiện nhằm vào mục đích ứng dụng, có xác định cụ thể hiệu quả về kinh tế và xã hội. Dự án có tính ứng dụng cao, có ràng buộc thời gian và nguồn lực.

– Đề án:là loại văn kiện, được xây dựng để trình cấp quản lý cao hơn, hoặc gởi cho một cơ quan tài trợ để xin thực hiện một công việc nào đó như: thành lập một tổ chức; tài trợ cho một hoạt động xã hội, … Sau khi đề án được phê chuẩn, sẽ hình thành những dự án, chương trình, đề tài theo yêu cầu của đề án.

– Chương trình:là một nhóm đề tài hoặc dự án được tập hợp theo một mục đích xác định. Giữa chúng có tính độc lập tương đối cao. Tiến độ thực hiện đề tài, dự án trong chương trình không nhất thiết phải giống nhau, nhưng nội dung của chương trình thì phải đồng bộ.

Như vậy để tiến hành làm đề tài NCKH, hoàn thiện công trình NCKH của mình (viết sáng kiến kinh nghiệm), người nghiên cứu (tác giả) cần quan tâm một số vấn đề cơ bản sau:

1. Cách tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học.

Trong các cơ sở giáo dục, hàng năm cán bộ, giáo viên thường phải tham gia làm đề tài NCKH, viết (đúc rút) sáng kiến kinh nghiệm (SKKN), tự làm đồ dùng hoặc cải tiến đồ dùng (thiết bị) về một vấn đề nào đó trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Những công trình khoa học đó phải nêu đ­ược những vấn đề cơ bản như: những điều hiểu biết mới, những kiến giải mới … của tác giả về lý luận và thực tiễn mà tác giả thu lượm đ­ược trong quá trình tham gia hoạt động giáo dục và công tác NCKH.

Để có đ­ược một đề tài NCKH, một sáng kiến kinh nghiệm, một đồ dùng dạy học có giá trị nào đó, tác giả cần tuân theo các b­ước sau:

– Chọn đề tài nghiên cứu:

Đề tài nghiên cứu có thể do mình tự chọn, có thể do đặt hàng của cá nhân hoặc tổ chức nào đó, có thể do nhiệm vụ được giao, nhưng nói chung đề tài phải là một vấn đề mà tác giả tâm đắc, phù hợp với điều kiện của bản thân đảm bảo cho việc hoàn thành đề tài ấy. Thông thường, đề tài vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn và phục vụ trực tiếp cho việc đổi mới nội dung và ph­ương pháp GD – ĐT như­: Tìm ra phương pháp giảng dạy mới; tìm ra các biện pháp khác hiệu quả hơn, khả thi hơn trong chủ nhiệm lớp, trong quản lý hoạt động dạy và học, xây dựng cơ sở vật chất; sáng chế hoặc cải tiến đồ dùng dạy học mới để học sinh tiếp thu tốt hơn, nhanh hơn …. Do vậy đề tài th­ường phải là vấn đề mà tác giả đã và đang hoặc sẽ làm làm có kết quả.

Việc lựa chọn đề tài nghiên cứu là một bước rất quan trọng, nó góp phần tạo nên sự thành công của đề tài (Đề tài có thiết thực không? Có khả thi không? Có giá trị phổ biến không?… đều do sự lựa chọn đề tài của tác giả.

– Chuẩn bị đề tài nghiên cứu (làm):

Tác giả phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu (làm) và điều kiện cơ sở vật chất, thời gian, sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức… (Đề tài lớn phải đ­ược thông qua các cấp có liên quan). Xác định được mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu…

– Tiến hành làm đề tài nghiên cứu khoa học theo kế hoạch:

Điều tra, thu thập dữ liệu, so sánh, phân tích, thực nghiệm (nếu cần), viết (làm).

– Hoàn chỉnh đề tài nghiên cứu khoa học: Kiểm tra, thông qua, hiệu chỉnh và xuất bản, phát hành (nếu cần).

– Báo cáo đề tài NCKH: Báo cáo (bảo vệ) với cấp đăng kí đề tài và lấy ý kiến đóng góp, xây dựng cho đề tài (nếu có).

2. Cấu trúc thông th­ường của một đề tài khoa học giáo dục .

Trước hết là việc chọn tên đề tài: đặt tên cho đề tài nghiên cứu phải phổ thông, dễ hiểu, gắn liền với nội dung và phạm vi vấn đề tác giả nghiên cứu.

Đề tài nghiên cứu khoa học th­ường được chia làm ba phần. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến phạm vị của một đề tài khoa học về lĩnh vực giáo dục trong nhà trường phổ thông (vấn đề này thường có quy định tương đối của cơ quan chủ quản).

Phần 1: Đặt vấn đề (hoặc mở đầu, hoặc một số vấn đề chung…)

Trong phần này tác giả cần xác định rõ:

+ Lý do chọn đề tài: Để hình thành lý do chọn đề tài: tác giả phải xác định được vị trí, vai trò của vấn đề mà tác giả chọn nghiên cứu, nêu được Chủ trương của Đảng, của Ngành và thực trạng vấn đề mà tác giả chọn nghiên cứu có hạn chế, bất cập hoặc mâu thuẫn gì với Chủ trương của Đảng, của Ngành, từ đó sẽ xuất hiện lý do tại sao mà tác giả lại chọn đề tài này.

+ Mục đích nghiên cứu: xác định rõ nghiên cứu đề tài này có ý nghĩa, tác dụng gì? Đề tài sẽ mang lại lợi ích gì và phục vụ cho ai, trong phạm vi nào?…

+ Nhiệm vụ nghiên cứu: thường có 3 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản của một đề tài (nghiên cứu cơ sở lý luận có liên quan đến đề tài, nghiên cứu thực trạng vấn đề có liên quan đến đề tài diễn ra trong phạm vi tác giả nghiên cứu và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện được mục đích đề tài đã vạch ra ).

Lưu ý 3 nhiệm vụ cơ bản này cũng chính là 3 nội dung cơ bản (3 chương) trong phần II (nội dung).

Xem thêm: Khái Quát Về Cuộc Cách Mạng Khoa Học Kỹ Thuật Lần 2, Khái Quát Về Cuộc Cách Mạng Khoa Học

+ Đối t­ượng nghiên cứu: là bản chất sự vật hoặc hiện t­ượng cần được xem xét và làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu (thường là các biện pháp có liên quan trong phạm vi nghiên cứu mà đơn vị hoặc cá nhân nơi tác giả sẽ đến tìm hiểu, nghiên cứu đã và đang áp dụng).

Xác định chuẩn được đối t­ượng nghiên cứu là tác giả đã xác định được trọng tâm mà đề tài cần khám phá. Bởi tiếp cận đúng đối tượng nghiên cứu nó sẽ giúp tác giả lựa chọn phương pháp và phương tiện khi nghiên cứu.

+ Phạm vi nghiên cứu: xác định về quy mô của đối tượng, về không gian của sự vật và về thời gian của tiến trình nghiên cứu…

Xác định chuẩn được phạm vi nghiên cứu sẽ giúp tác giả nghiên cứu trọng tâm hơn, tránh bị lệch sang hướng không chuẩn.

+ Phương pháp nghiên cứu: nêu những phư­ơng pháp nghiên cứu mà tác giả sẽ sử dụng trong quá trình NCKH và áp dụng nó trong trường hợp nào?.

Phần 2: Giải quyết vấn đề (hoặc nội dung).

Phần này phải giải quyết các nhiệm vụ đặt ra của đề tài, nó bao gồm ba nội dung (hoặc chương) lớn.

2.1. Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu: Là những cơ sở lý thuyết khoa học, những quy luật, những quan điểm … đã đ­ược khoa học xác nhận là đúng do mình hoặc ng­ười khác đã xây dựng trước đó, mà tác giả lấy làm công cụ, làm luận cứ trong quá trình nghiên cứu. (Nó bao gồm các khái niệm, phạm trù, quy luật có liên quan đến đề tài NCKH). Trong phần này, tác giả cần nêu thêm lịch sử phát triển của vấn đề khoa học mà tác giả nghiên cứu (đã có tác giả nào nói về vấn đề này, phần này ch­ưa? nói ở mức độ nào ?…).

Kết thúc phần cơ sở lý luận, thường tác giả phải phác thảo được mô hình của vấn đề tác giả nghiên cứu (muốn đạt được mục đích nghiên cứu đề ra thì người thực hiện phải làm gì? Làm tuần tự ra sao?).

2.2. Cở sở thực tế của vấn đề nghiên cứu: Mô tả thực trạng những vấn đề có liên quan tới đối t­ượng nghiên cứu.

Ở phần này tác giả cần tìm được quy luật tồn tại và phát triển của các vấn đề nghiên cứu, tìm ra được nguyên nhân dẫn đến kết quả (tốt, xấu) mà tác giả tìm hiểu được.

2.3. Các giải pháp để giải quyết vấn đề: nêu được các kiến giải (hoặc giải pháp, các bài học, các ứng dụng … có giá trị nhất định trong phạm vi nào đó) mà tác giả đã đúc kết trong quá trình nghiên cứu theo mục đích nghiên cứu đã đề ra.

Đây là phần quan trọng nhất và là sản phẩm khoa học của tác giả. Đề tài lớn tác giả cần xác định rõ được mục tiêu, nội dung, cách thực hiện và tiêu chí đánh giá…

Phần 3:Kết thúc vấn đề (hoặc kết luận): Phần này cần nêu rõ:

– Ý nghĩa quan trọng nhất của đề tài.

– Tóm tắt kết quả quan trọng nhất của đề tài (các giải pháp để giải quyết vấn đề đặt ra của đề tài).

– Những khuyến nghị làm tăng tính khả thi của đề tài (khuyến nghị nên tập trung vào các cấp lãnh đạo và các cấp liên quan trực tiếp).

3. Những l­ưu ý trong quá trình làm đề tài nghiên cứu khoa học.

– Đề tài NCKH phải có nội dung khoa học (trình bày trên); cấu trúc khoa học (cân đối giữa các phần mục); chữ viết khoa học (chữ viết sạch sẽ, phổ thông, dễ đọc; phông chữ đánh máy phải phù hợp với yêu cầu; câu văn súc tích, trong sáng…); trình bày khoa học (đúng, đẹp); báo cáo cũng phải khoa học (ngắn gọn, đủ ý).

Phần này thường có yêu cầu cụ thể (mẫu) của cơ quan quản lý trược tiếp.

– Trong đề tài NCKH có ba điều tối kỵ:

+ Sai quan điểm, đ­ường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước.

+ Sai kiến thức chuyên môn (lĩnh vực chuyên môn của tác giả).

+ Mơ hồ về mục đích nghiên cứu, xác định không chuẩn nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu của đề tài, xác định nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu của đề tài một đường, khi đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề lại làm một lẻo…

– Trong phần nội dung của đề tài, thường 2 chương đầu (cơ sở lý luận và cơ sở thực tế) đều do điều tra, tìm hiểu mà có, trong chương 3: các giải pháp để giải quyết vấn đề, tái giả nên bám vào cấu trúc mô hình đã xác định trong phần cơ sở lý luận. Chẳng hạn đề tài: “ Nâng cao chất l­ượng học tập môn toán cho học sinh lớp 9…”, tác giẩ đã xác định: muốn nâng cao chất lượng học tập môn toán cho học sinh lớp 9… phải dạy các khái niệm ra sao? phải rèn kỹ năng như thế nào? …, thế nh­ưng phần giải pháp tác giả lại không đề xuất biện pháp có liên quan đến việc dạy các khái niệm, rèn kỹ năng … như thế nào. Như­ vậy là tác giả nghiên cứu không đúng hướng, không khoa học và đề tài sẽ thiếu sức thuyết phục.

– Những kiến giải của đề tài không đ­ược mâu thuẫn với mục đích nghiên cứu, cấu trúc khái niệm và mô hình của vấn đề mà tác giả đã đ­ặt ra trong phần cơ sở lý luận.

– Trong phần 3, thường là gồm hai nội dung chính là kết luận và khuyến nghị. (Nhiều tác giả hay dùng từ “kiến nghị”). Trong khoa học nên dùng từ khuyến nghị, mà không nên dùng từ kiến nghị. Vì khuyến nghị mang ý nghĩa một lời khuyến cáo được rút ra từ NCKH của người nghiên cứu (tính thực tiễn chưa cao), người nhận khuyến nghị có thể chấp nhận hoặc không, tuỳ hoàn cảnh thực tế. Còn kiến nghị th­ường mang ý nghĩa sức ép đối với người nhận kiến nghị…

Xem thêm: Cở Sở Khoa Học Công Nghệ Bến Tre, Cở Sở Dữ Liệu Nhiệm Vụ Khcn

*

Những ý kiến trên cũng chỉ mang tính chất khuyến nghị, mà không phải là khuôn mẫu. Điều mà chúng tôi muốn nói là: các nhà quản lý nhà trường phổ thông đồng thời phải là nhà khoa học, là nhà tổ chức NCKH, thậm chí còn là chủ tịch hội đồng khoa học trong đơn vị, muốn vậy không còn con đường nào khác: người quản lý nhà trường phải hiểu rõ về khoa học cách thức tổ chức NCKH và phải thực sự say mê khoa học. Chắc chắn rằng khoa học chân chính sẽ đến với người say mê “nó” và có hiểu biết về nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *