Môn Khoa học tự nhiên (KHTN) là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông, được dạy ở cấp trung học cơ sở, giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; hoàn thiện tri thức, kĩ năng nền tảng và phương pháp học tập để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Đang xem: Các môn khoa học tự nhiên là gì

Môn KHTN được xây dựng dựa trên nền tảng của các khoa học vật lí, hoá học, sinh học và khoa học Trái Đất. Thời gian học từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi năm học 140 tiết.

Môn KHTN hình thành và phát triển ở học sinh năng lực KHTN, bao gồm các thành phần: nhận thức khoa học tự nhiên; tìm hiểu tự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Bên cạnh mục tiêu hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, môn KHTN nhấn mạnh tới mục tiêu hình thành và phát triển ở học sinh tình yêu thiên nhiên, thế giới quan khoa học, sự tự tin, trung thực, khách quan, thái độ ứng xử với thế giới tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội. Môn KHTN góp phần giáo dục học sinh thành những công dân có trách nhiệm, có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

KHTN là môn học thúc đẩy giáo dục STEM, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

KHTN luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại, do vậy chương trình môn KHTN phải tinh giản các nội dung có tính mô tả chi tiết các sự vật và hiện tượng để tổ chức cho học sinh tìm hiểu, nhận thức các kiến thức khoa học có tính nguyên lí, cơ sở cho quy trình ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.

Chương trình môn KHTN được tổ chức theo 4 chủ đề khoa học chính, gồm: (i) Chất và sự biến đổi của chất:chất có ở xung quanh ta, cấu trúc của chất, chuyển hoá hoá học các chất; (ii) Vật sống: sự đa dạng trong tổ chức và cấu trúc của vật sống; các hoạt động sống; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường; di truyền, biến dị và tiến hoá; (iii) Năng lượng và sự biến đổi: năng lượng, các quá trình vật lí, lực và sự chuyển động; (iv) Trái Đất và bầu trời: chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời, chuyển động nhìn thấy của Mặt Trăng, hệ Mặt Trời, Ngân Hà, chu trình các chất trong hệ sinh thái, Sinh quyển. Nội dung các chủ đề khoa học được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Các nguyên lí chung, khái quát của tự nhiên là nội dung cốt lõi của môn KHTN, bao gồm nguyên lí về sự đa dạng, tính cấu trúc, tính hệ thống, sự vận động và biến đổi, sự tương tác. Các chủ đề khoa học là những dữ liệu vừa làm sáng tỏ các nguyên lí chung, vừa được tích hợp theo các logic khác nhau trong hoạt động khám phá tự nhiên, trong giải quyết vấn đề công nghệ, các vấn đề tác động đến đời sống của cá nhân và xã hội. Hiểu biết về các nguyên lí của tự nhiên, cùng với hoạt động khám phá tự nhiên, vận dụng kiến thức KHTN vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn là yêu cầu cần thiết để hình thành và phát triển năng lực KHTN ở học sinh.

Xem thêm: Danh Sách Trúng Tuyển Đại Học Bách Khoa Tphcm 2018, Trường Đại Học Bách Khoa Đhqg

Do chương trình được thiết kế thành bốn chủ đề khoa học, mỗi chủ đề thiên về kiến thức một ngành khoa học nên khi triển khai chương trình, mỗi giáo viên có thể dạy chủ đề phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau. Việc sắp xếp các chủ đề khoa học chủ yếu theo logic tuyến tính không gây khó khăn cho việc tổ chức kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học, trên cơ sở phân công giữa các giáo viên. Đây là giải pháp mà các nước phát triển như Anh, Mỹ… vẫn đang thực hiện.

Về phương pháp giáo dục, chương trình môn KHTN thích hợp với các phương pháp giáo dục tích cực, học sinh chủ động và tích cực trong việc chiếm lĩnh tri thức; các hình thức tổ chức dạy học chủ yếu là tổ chức chuỗi hoạt động khám phá tự nhiên; rèn luyện phương pháp nhận thức, kĩ năng học tập, thao tác tư duy; thực hành thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, thực tiễn đời sống cá nhân và xã hội; phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học hợp tác nhóm nhỏ.

Các phương pháp dạy học góp phần phát triển kĩ năng tiến trình – kĩ năng rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển năng lực tìm tòi, khám phá tự nhiên, hình thành và phát triển thế giới quan khoa học, trong đó, quan sát, đặt câu hỏi với nêu giả thuyết, lập kế hoạch và thực hiện, xử lí và phân tích dữ liệu, đánh giá, trình bày báo cáo được thực hiện kế tiếp nhau theo tiến trình là kĩ năng cần được rèn luyện thường xuyên và có trọng số thích đáng trong đánh giá kết quả học tập.

Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn KHTN. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh trong môn KHTN.

Về điều kiện thực hiện chương trình, giáo viên dạy học môn KHTN cần được bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích cực, tích hợp và phân hoá; kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; bồi dưỡng kiến thức vật lí, hoá học, sinh học để nắm vững các nguyên lí của tự nhiên và ứng dụng khoa học công nghệ.

KHTN có điều kiện giáo dục những vấn đề toàn cầu như phát triển bền vững và sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, dân số, an toàn, tiết kiệm năng lượng, giới và bình đẳng giới,… Tiềm năng này của môn KHTN cần được tăng cường khai thác qua các chủ đề tích hợp.

Xem thêm: Thuyết Sáng Tạo Có Tính Khoa Học Là Gì ? Thuyết Sáng Tạo Có Tính Khoa Học Không

KHTN chú trọng thực hành thí nghiệm, vì vậy, nhà trường phổ thông cần được đầu tư tốt hơn về trang thiết bị, vật liệu, hoá chất, phòng thực hành và tập huấn kĩ năng làm việc trong phòng thực hành cho giáo viên và học sinh. Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các phòng thực hành còn hạn chế thì cần lưu ý tổ chức cho học sinh tham quan các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở địa phương, tăng cường sử dụng học liệu điện tử./.

BBT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *