Công trình kiến trúc là biểu tượng cho những giá trị tinh thần và văn hóa của một dân tộc. Nước Việt có chiều dài dọc theo biển, với bề dày lịch sử hơn 4000 năm trải dọc từ Bắc chí Nam, bất luận là thủ đô Hà Nội trầm mặc, Đà Nẵng hiện đại, cố đô Huế cổ kính hay thành phố Hồ Chí Minh năng động, qua mỗi vùng đất, mỗi thời kỳ, hàng loạt các công trình kiến trúc được xây dựng, phản ánh văn hóa và cuộc sống của dân tộc ta qua từng thời kỳ. Hãy cùng thietbihopkhoi.com khám phá một Việt Nam thật đẹp và đa phong cách qua các công trình kiến trúc độc đáo này nhé!

1. CHÙA MỘT CỘT

Chùa Một Cột tại thủ đô Hà Nội từng vinh hạnh được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” vào năm 2012. Chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông xây dựng vào năm 1049, tính đến nay đã hơn 1000 năm tuổi. Chùa được nâng đỡ do hệ thống những thanh gỗ bên dưới, tất cả tạo thành bộ khung sườn kiên cố bên dưới chùa. Nhìn từ xa, chùa Một Cột như thể một đóa hoa sen vươn thẳng từ mặt hồ nhỏ hình vuông. Thiết kế sơ khai của chùa Một Cột thời Lý gồm đài Liên Hoa, mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên một cột hình trụ xây giữa hồ vuông. Chùa Một Cột đã được trùng tu nhiều lần. Chùa Một Cột hiện nay được xây dựng vào năm 1955, đài Liên Hoa có kết cấu hình vuông, lợp ngói ta, vẫn giữ chiều dài mỗi cạnh là 3m, bốn mái cong, bốn đầu đao được đắp hình đầu rồng. Nét độc đáo nhất trong thiết kế kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa chỉ được đặt trên một cột đá duy nhất.

Đang xem: Các công trình kiến trúc cổ ở việt nam

*

2. LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa nghệ thuật được xây dựng trên nền cũ của tòa lễ đài tại Quảng trường Ba Đình, nơi Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Lăng được xây dựng không chỉ nhằm đáp ứng nguyện vọng được gặp cụ Hồ của nhân dân trên mọi miền đất nước, mà còn là ghi nhớ công ơn cứu nước và giải phóng dân tộc của Bác. Lăng gồm 3 lớp có chiều cao 21,6 mét, lớp dưới kết cấu dạng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là trung tâm của lăng, bao gồm phòng thi hài, hành lang và cầu thang di chuyển, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Khi đến thăm lăng Bác, du khách phải tuân theo các yêu cầu như ăn mặc chỉnh tề, không quay phim chụp hình và giữ trật tự. Lăng Bác mở cửa vào mỗi buổi sáng thứ ba, tư, năm, bảy và chủ nhật hàng tuần. Lăng Bác là địa điểm mà bất kỳ du khách nào khi đến Hà Nội cũng đều ghé thăm.

*

3. CẦU SÔNG HÀN

Cầu sông Hàn là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép. Vào khoảng 0 giờ 30 phút hằng ngày, phần giữa của cầu sẽ quay 90 độ quanh trục, nằm dọc theo dòng chảy của sông để mở đường cho tàu lớn giao thương và quay về vị trí cũ vào khoảng 3 giờ 30 phút. Sự ra đời của cầu sông Hàn minh chứng cho nỗ lực sau bao năm phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, cầu sông Hàn không chỉ là phương tiện giao thông của người dân mà còn thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của cầu về đêm.

*

4. CẦU RỒNG

Cầu Rồng từng là một trong 8 công trình và dự án xuất sắc nhất thế giới được vinh danh bằng Giải thưởng lớn tại lễ trao Giải thưởng kỹ thuật xuất sắc (EEA) năm 2014. EEA được ví như giải Oscar của ngành kỹ thuật, do Hội đồng các công ty kỹ thuật Hoa Kỳ trao tặng hàng năm để tôn vinh các dự án độc đáo nhất về thiết kế, cấu trúc, công năng cũng như những đóng góp của công trình với lợi ích cộng đồng. Cầu Rồng có kiến trúc độc đáo với hình dáng con rồng vươn mình bay ra biển. Phần đầu và đuôi rồng được thiết kế theo phong cách rồng thời Lý. Đây cũng chính là điểm nổi bật nhất trong thiết kế của cầu Rồng, vì hình tượng “con rồng cháu tiên” là tượng trưng cho cội nguồn của người Việt. Cầu Rồng cùng với cầu sông Hàn luôn là hai điểm đến thu hút nhiều du khách nhất Đà Nẵng, bởi vì thiết kế kiến trúc tinh xảo, cũng như giá trị kinh tế – xã hội và kỹ thuật mà hai chiếc cầu này mang đến cho người dân Đà Nẵng.

*

5. HOÀNG THÀNH HUẾ

Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình. Nhằm bảo vệ an toàn cho nhà vua, xung quanh Hoàng Thành được bao bọc bởi các hào sâu. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình.

*

Hoàng Thành Huế tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, xung quanh Hoàng Thành là hàng loạt những cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp và mang đậm chất Huế như núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh. Tổng thể kiến trúc Hoàng Thành không những giàu giá trị nghệ thuật về qui hoạch, kiến trúc, mà đây còn là hệ thống hoàng cung còn lại duy nhất tại Việt Nam, đại diện hữu hình cho thời đại phong kiến nước ta. Với các bạn trẻ yêu kiến trúc, Hoàng Thành Huế là nơi các bạn không nên bỏ lỡ khi đến thăm cố đô Huế, vừa tận hưởng cảm giác dạo bước trong Hoàng Thành, cảm nhận những lắng đọng của vết thời gian vừa giúp hiểu thêm về lịch sử nước nhà.

Xem thêm: Công Ty Cổ Phần Kiến Trúc Xây Dựng Skyline, 403 Forbidden

*

6. NHÀ THỜ ĐỨC BÀ

Rời xa cố đô Huế cổ kính, hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, du khách đường như lạc vào một thế giới khác – đầy năng động và hiện đại. Trong những công trình kiến trúc độc đáo của đất Sài Gòn phải kể đến nhà thờ Đức Bà trên đường Lê Duẩn. Nhà thờ Đức Bà được xây dựng vào năm 1877. Cho tới nay, dù đã hơn 1 thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhà thờ Đức Bà vẫn là công trình kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn. Khi thi công, hầu hết những nguyên vật liệu đều được chuyển từ Pháp sang như gạch xây, ngói, sắt thép và các phụ kiện trang trí khác. Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa bình.

*

Bằng vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính, nhà thờ Đức Bà không những là một công trình kiến trúc mang tính lịch sử và nghệ thuật cao, mà đã trở thành một phần cuộc sống của người dân Sài Gòn. Buổi tối người dân Sài Gòn thường tụ tập quanh nhà thờ để đàn hát và tán gẫu cùng nhau. Tự lúc nào, nhà thờ Đức Bà đã trở thành một điểm tham quan thú vị mà bất kỳ ai đến thành phố Hồ Chí Minh cũng phải ghé thăm ít nhất một lần.

*

7. Chợ Bến Thành

Ngoài nhà thờ Đức Bà ra, khi nhắc đến những công trình kiến trúc nổi bật ở Sài Gòn thì không thể không nhắc đến chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành có quá trình lịch sử thăng trầm, gắn liền với những biến cố trên vùng đất Sài Gòn Gia Định. Diện mạo hiện tại của chợ Bến Thành chủ yếu được xây đựng vào đợt trùng tu năm 1985, tuy có nhiều thay đổi so với nguyên bản năm 1870, nhưng vẫn giữ tháp đồng hồ 3 mặt ngay cửa chính. Hai bên tả hữu có 3 nóc nhà chợ lợp ngói. Chợ có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc mở ra đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn. Khu cửa phía Nam của chợ Bến Thành luôn được xem là biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nay, chợ Bến Thành đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Sài Gòn, thu hút ngày nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.

*

8. TÒA THÁP BITEXCO

So với các công trình như Chùa Một Cột, Lăng Bác, Hoàng Thành Huế, nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành, tòa tháp Bitexco tại trung tâm Quận 1 vẫn còn rất non trẻ, nhưng những giá trị mà tòa tháp đóng góp cho nước ta về mặt kiến trúc là vô cùng đáng nể. Bitexco được khánh thành vào năm 2010, được đánh giá là công trình kiến trúc đại diện cho sự năng động và phát triển kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ một năm sau, năm 2011, kênh du lịch của CNN (CNNGo) đã công bố danh sách 20 tòa tháp có thiết kế ấn tượng nhất thế giới và tòa tháp Bitexco của nước ta vinh hạnh lọt vào vị trí thứ 5 trong top 10 cao ốc ấn tượng nhất thế giới.

*

Về mặt kiến trúc, tòa tháp Bitexco được thiết kế bằng bê tông cốt thép và kính, trên sân thượng của tháp có sân đáp trực thăng riêng. Ý tưởng thiết kế Bitexco được lấy cảm hứng từ hình ảnh duyên dáng, thanh thoát của búp hoa sen – biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Tầng thứ 47 của tòa nhà được thiết kế nhô hẳn ra ngoài, tạo thành một đài quan sát. Đứng ở đây, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh. Tòa tháp Bitexco đã trở thành biểu tượng kiến trúc và là chủ thể chính trong nhiều bức ảnh chụp Sài Gòn đêm của các nhiếp ảnh gia. Nếu bạn là người yêu thích nhiếp ảnh, thì tháp Bitexco là cảnh điểm mà bạn không nên bỏ qua khi đến thăm Sài Gòn.

Xem thêm: Thông Tin Tuyển Dụng Từ Công Ty Cổ Phần Kiến Trúc Db Tuyển Dụng

*

Thông qua các công trình kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, thietbihopkhoi.com đã cùng bạn dạo quanh một vòng từ Bắc chí Nam, đi từ 4000 năm lịch sử của đất Thăng Long đến 300 năm thành phố mới Sài Gòn, có thể nói, mỗi công trình kiến trúc không chỉ đơn thuần là góp phần làm đẹp hơn mỹ quan đô thị mà còn là đại diện hữu hình cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Vì thế, ghé thăm những công trình kiến trúc độc đáo tại địa phương là một chọn lựa không tồi tí nào trong các chuyến du lịch, vì chắc chắn quyết định này sẽ giúp bạn có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống và văn hóa của người dân bản xứ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *